Trang chủ Golf Cơ hội lớn để kết nối thể thao Golf và di sản...

Cơ hội lớn để kết nối thể thao Golf và di sản văn hóa

7
0

Ngày 30/11, Tọa đàm ‘Kết nối Di sản và Thể thao Golf: Cơ hội và thách thức’ đã diễn ra tại Ninh Bình. Tọa đàm là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024.

Toàn cảnh Tọa đàm “Kết nối Di sản và Thể thao Golf: Cơ hội và thách thức” đã diễn ra tại Ninh Bình. (Nguồn: Nhân dân)

Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hiệp hội du lịch Golf Việt Nam và Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Công ty Cổ phần truyền thông đối ngoại Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong xu hướng phát triển chung của văn hóa, thể thao và du lịch, Golf đang trở thành một môn thể thao không chỉ dành riêng cho những người đam mê thể thao mà còn là một phương tiện quan trọng để thúc đấy kinh tế, quảng bá du lịch và nâng cao vị thế của các địa phương.

Với sự phong phú về di sản thiên nhiên và văn hóa, ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay, Ninh Bình đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển thể thao Golf như một sản phẩm mới, độc đáo, kết hợp giữa thể thao và du lịch di sản.

“Những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và di sản văn hóa phong phú là nơi lý tưởng để xây dựng các tour du lịch Golf kết hợp khám phá di sản, tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp Ninh Bình không chỉ nổi bật về di sản văn hóa mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Golf của khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, việc phát triển các dự án sân Golf và cơ sở hạ tầng du lịch gắn liền với di sản sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đồng thời thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh”, ông Cường nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho rằng, tọa đàm là cơ hội để Ninh Bình được lắng nghe các báo cáo nghiên cứu khoa học, những ý kiến thảo luận, phản biện khách quan, nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn những cơ hội, thách thức, phương hướng, giải pháp phát triển thể thao Golf gắn với phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư – Ninh Bình.

Từ đó, góp phần xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo.

Những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và di sản văn hóa phong phú là nơi lý tưởng để xây dựng các tour du lịch Golf kết hợp khám phá di sản. Hình ảnh vẻ đẹp tiên cảnh của Thung Nham, Ninh Bình nhìn từ trên cao. (Nguồn: wikipedia)

Ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, việc phát triển du lịch Golf tại Việt Nam, đặc biệt tại những vùng có di sản văn hóa, là một hướng đi chiến lược để thu hút khách du lịch quốc tế.

Các nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa thể thao Golf và các yếu tố văn hóa di sản sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch có tính bền vững, thu hút những đối tượng du khách có chi tiêu cao và ở lại lâu hơn.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong việc phát triển du lịch Golf gắn liền với di sản, cần có những chiến lược rõ ràng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên.Không chỉ cần phát triển sân Golf đạt tiêu chuẩn quốc tế mà còn phải gắn liền với những hoạt động khám phá văn hóa, trải nghiệm du lịch di sản để tạo ra sức hấp dẫn bền vững.

Xuyên suốt buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp thiết thực về các nội dung như việc xây dựng các sản phẩm tích hợp giữa thể thao và địa danh di sản; chiến lược bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương với các nhà đầu tư trong việc xây dựng các sân Golf, cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp; hoạt động quảng bá di sản; vấn đề phát triển Golf di sản tại Ninh Bình…

Để phát huy tối đa tiềm năng của việc kết nối giữa di sản và thể thao Golf, các đại biểu đề xuất, Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng cần tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và thu hút đầu tư vào các sự kiện thể thao kết hợp với di sản.

Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý hợp lý, đảm bảo phát triển thể thao golf không ảnh hưởng tiêu cực đến di sản; đấy mạnh quảng bá thương hiệu Golf di sản, xây dựng chiến lược truyền thông hiện đại, gắn kết chặt chẽ với giá trị di sản văn hóa địa phương…

Việt An

Nguồn: https://baoquocte.vn/co-hoi-lon-de-ket-noi-the-thao-golf-va-di-san-van-hoa-295668.html

Bài trướcMua vé xem đội tuyển Việt Nam đá ASEAN Cup 2024 ở đâu?
Bài tiếp theoVé xem trực tiếp đội tuyển Việt Nam cực dễ tiếp cận, sân Việt Trì sẽ ‘sốt vé’?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây