Theo nhiều ý kiến, khi mở rộng và làm mới khu phố du lịch An Thượng (hay còn gọi là ‘Phố Tây’) cần phải dựa trên nhu cầu thực tế của khách du lịch, đặc biệt là ‘khách Tây’.
Khu phố du lịch An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) lâu nay thường được gọi là “Phố Tây” vì thu hút nhiều du khách quốc tế đến tham quan, lưu trú. Giai đoạn 1 được khai trương vào cuối tháng 4/2022, “Phố Tây” kết nối hoạt động biển đêm Mỹ An, là nơi để người dân và du khách khám phá, trải nghiệm các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm ngày và đêm tại các tuyến đường đẹp và hiện đại.
Năm 2024, Thành phố tiếp tục triển khai đầu tư dự án Khu phố du lịch An Thượng giai đoạn 2. Theo dự kiến, giai đoạn 2 sẽ được triển khai đoạn từ đường Lê Quang Đạo đến đường Mai Thúc Lân (vào cuối năm 2024, đầu năm 2025). Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, sẽ có thêm Quảng trường trung tâm để tổ chức các sự kiện, nghệ thuật sắp đặt, các tiện ích phục vụ người dân và du khách.
Khu phố du lịch An Thượng nằm trên địa bàn phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) được xem là khu “Phố Tây” vì thu hút nhiều du khách quốc tế đến tham quan, lưu trú.
Chia sẻ về việc “Phố Tây” tiếp tục được mở rộng, làm mới sản phẩm, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event (chuyên tổ chức tour du lịch cho khách Tây) cho biết, ngành chức năng nên chăng mời các chuyên gia về lĩnh vực ẩm thực, văn hóa, sản phẩm, sức khỏe…tư vấn để hình thành một khu “Phố Tây” đúng nghĩa, thu hút khách quốc tế.
Theo ông Tư, thông thường, khách Tây họ quan tâm nhiều hơn về văn hóa bản địa, phong tục địa phương, ẩm thực và giao tiếp với con người địa phương. Các hoạt động về đêm cũng được dòng khách này lưu ý và thích thú. Tùy thuộc vào từng lứa tuổi để khách lựa chọn các dịch vụ, sản phẩm ban đêm để vui chơi, giải trí. Ví dụ đối với khách lớn tuổi thì họ thích thưởng thức ẩm thực và thư giãn ở một không gian yên tĩnh; còn khách trẻ tuổi thì thường thích nghe nhạc hoặc các quán bar, pub…Bên cạnh đó, cần lưu ý có các trung tâm thể dục thể thao, phòng tập gym, hồ bơi…cho khách và những dịch vụ này nên kêu gọi tư nhân đầu tư vì họ sẽ vận hành tốt hơn.
“Quy hoạch “Phố Tây” ở Đà Nẵng có nhiều đặc điểm khác với các nơi khác, cần phải lưu ý về mùa vụ. Đơn cử như về mùa mưa (mùa mà khách Tây đến nhiều hơn so với mùa nắng) thì phải nghiên cứu các hoạt động, sản phẩm như thế nào để phù hợp với khách Tây. Bên cạnh đó, cần lưu ý ẩm thực mà đưa bản địa vào quá thì cũng không được, không phải lúc nào cũng đưa đồ nướng như cá viên chiên, chuối chiên…thì không phù hợp với dòng khách này. Đặc biệt, cần thăm dò, lấy ý kiến của du khách quốc tế, đặc biệt khách Tây; làm cái gì du khách cần thì hãy làm, chứ đừng làm những gì khách không cần”, ông Tư nhấn mạnh.
Nhiều du khách nước ngoài khi lưu trú tại “Phố Tây”, họ thường xuyên tập luyện thể dục thể thao tại Trung tâm văn hóa thể thao Mỹ An (Mỹ An sport centrer).
Trong lúc đó, một lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ, về văn hóa nghệ thuật, khu vực “Phố Tây” này nên tính đến địa điểm tổ chức để phù hợp cho người dân và du khách tham gia, thưởng lãm. Thông thường, du khách khi tới thì họ mong muốn trải nghiệm những cái họ mong muốn hơn là những cái mà nơi đó đem đến.
“Có nghĩa cần phải khảo sát nhu cầu khách du lịch ở đó để xem họ cần những cái gì để làm sản phẩm cho phù hợp, chứ không phải mình làm những gì mình có”, vị này nói.
Trước đó, tại buổi kiểm tra thực tế và đánh giá hiệu quả đầu tư “Phố Tây” (Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin), Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường lưu ý địa phương cần đánh giá kỹ hiện trạng các tuyến phố đang có, những cái đã làm được và chưa làm được trước khi đầu tư giai đoạn tiếp theo.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, sau thời gian triển khai thí điểm giai đoạn 1, địa phương cần phải lấy phiếu đánh giá của các hộ kinh doanh tại tuyến phố. Việc đầu tư để hình thành sản phẩm không khó, quan trọng là phải đánh giá chất lượng, hiệu quả kinh doanh, hiệu quả thu hút khách đến. Đồng thời lấy ý kiến của các hộ kinh doanh để xem những người kinh doanh trực tiếp có góp ý kiến hay đề xuất giải pháp gì, từ đó tiếp thu, hoàn thiện trong quá trình triển khai.
“Việc lắng nghe những góp ý của người dân để nắm bắt được tình hình thực tế là rất cần thiết bởi chúng ta xây dựng, phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế của du khách, phải tạo được sức hút để du khách tự tìm đến”, ông Trần Chí Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng cho rằng, tại một số tuyến phố như Châu Thị Vĩnh Tế đã có các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, để tạo thành những tuyến phố du lịch, thu hút khách, địa phương nên dựa trên nền tảng đó để phát triển, tính toán sắp xếp, phân luồng cho phù hợp.
Vũ hội đường phố tại khu phố du lịch An Thượng.
Tại khu vực tường rào bao quanh trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng (đường Lê Quang Đạo) dự kiến sẽ làm mới lại tường rào bằng cách xây dựng các phù điêu, vẽ tranh tường xen kẽ nhau. Trong đó, tranh chủ yếu vẽ lại cảnh đẹp của thành phố Đà Nẵng, phù điêu thực hiện lại các công trình kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam trên chất liệu xi măng; tạo ra các không gian check-in cho người dân và du khách. Một số hạng mục tại địa bàn nếu phát huy tốt chức năng thì nên giữ lại và tiếp tục phát huy để phục vụ du khách. Phải tận dụng những cái hiện có và du khách đã quen sử dụng để tiếp tục phát huy, thu hút khách.
Được biết, sau thời gian triển khai thí điểm phố du lịch An Thượng cho thấy, người dân tại các khu phố đồng tình ủng hộ; thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt du khách nước ngoài tới vui chơi, giải trí, mua sắm…Về phía địa phương bảo đảm an ninh trật tự, môi trường đô thị, quảng bá hình ảnh, bảo đảm an toàn cho du khách…Trung bình mỗi tháng có rất đông lượt khách du lịch vui chơi, mua sắm, giải trí…ở “Phố Tây” này./.
Đ.Hoàng
Nguồn: https://toquoc.vn/xay-dung-san-pham-tai-pho-tay-dua-tren-nhu-cau-thuc-te-cua-khach-20240717170240007.htm