Thu hút cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng là điều cần thiết. Nhưng làm sao để những cầu thủ này thực sự đem lại đột biến về chất lượng cho bóng đá Việt Nam ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển quốc gia không phải bài toán dễ.
Đa phần mờ nhạt
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mới đây đã thông qua quy định cho phép các CLB thi đấu tại Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) đăng ký hai cầu thủ Việt kiều từ mùa giải 2024-2025. Đây là động thái nằm trong kế hoạch thu hút nguồn lực cầu thủ gốc Việt đang chơi bóng ở nước ngoài cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
Thủ thành Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt kiều hiếm hoi thành công cùng đội tuyển Việt Nam.
Chuyên gia Hoàng Văn Phúc đánh giá, quy định của VFF hoàn toàn hợp lý bởi sẽ giúp các đội bóng thêm cơ hội tìm kiếm, sàng lọc cầu thủ Việt kiều chất lượng tốt cho mục tiêu cuối cùng là tăng cường sức mạnh đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế những năm gần đây, khi làn sóng cầu thủ Việt kiều đổ bộ V-League, những cái tên chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt kiều thành công nhất cho tới thời điểm này.
Ngoài ra, có thể kể thêm một vài cái tên khác đáng chú ý như Nguyễn Filip, Mạc Hồng Quân, Adriano Schmidt hay Patrick Lê Giang. Số còn lại gần như không để lại dấu ấn. Thậm chí, đa phần đều phải rời Việt Nam vì không đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn, hoặc chấp nhận cảnh dạt từ CLB này tới CLB khác theo diện thử việc.
Ngoại trừ Đặng Văn Lâm, đóng góp của cầu thủ Việt kiều cho đội tuyển quốc gia còn tương đối hạn chế. Nguyễn Filip từng góp mặt ở đội tuyển nhưng chưa có cống hiến đáng kể. Mạc Hồng Quân, Adriano Schmidt chơi khá ổn định tại CLB nhưng không có nhiều đất dụng võ khi lên tuyển.
Khó kỳ vọng đột biến lập tức
Từ thực trạng như vậy, câu hỏi được giới mộ điệu đặt ra là, khi tăng suất cho cầu thủ Việt kiều, chất lượng có tăng theo? Thật khó để trả lời câu hỏi này ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên cách làm như hiện tại, chất lượng cầu thủ Việt kiều khó cải thiện trong tương lai gần.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, việc mở rộng cánh cửa thu hút nguồn lực cầu thủ gốc Việt đang chơi bóng ở nước ngoài là điều cần thiết nhưng khó kỳ vọng đột biến ngay lập tức.
“Kiều bào ta ở nước ngoài đại đa số không sinh sống tại những quốc gia có môi trường bóng đá phát triển nên cũng chưa xuất hiện những cầu thủ thực sự nổi bật. Nguyễn Filip đẳng cấp nhất cũng mới chỉ dự bị ở đội tuyển CH Séc.
Chính bởi vậy, dù những năm qua, cầu thủ Việt kiều tuy về quê hương nhiều nhưng hầu hết trình độ chỉ ở mức vừa phải. Từ đó, mục tiêu tìm kiếm nhân sự cho đội tuyển quốc gia chưa hiệu quả”, ông Tùng phân tích.
Bài toán khó giải
Theo bình luận viên Quang Tùng, để quy định tăng suất cầu thủ Việt kiều thực sự phát huy hiệu quả, các đội bóng trong nước phải mở rộng phạm vi tìm kiếm.
“Chúng ta không nên gói gọn đối tượng tìm kiếm người trực hệ 50% dòng máu Việt mà có thể là gốc gác xa hơn, có thể là 25%, miễn sao phù hợp với các quy định. Đối tượng tìm kiếm rộng thì cơ hội cũng tăng lên. Đương nhiên, để làm được như vậy phải có mạng lưới tìm kiếm tốt, nhiều kênh thông tin trực tiếp tại nước ngoài”, ông Tùng nêu giải pháp.
Ở chiều ngược lại, vị bình luận viên kỳ cựu cho rằng, bản thân các CLB trong nước muốn tiếp nhận những cầu thủ Việt kiều có chuyên môn cao cũng phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố đạt tiêu chuẩn như sân bãi, điều kiện tập luyện và quan trọng nhất là mức lương.
“Cầu thủ chuyên môn tốt đương nhiên đãi ngộ kèm theo cũng phải tốt họ mới chấp nhận đầu quân. Với mặt bằng các CLB V-League hiện tại, việc trả khoảng 20 nghìn USD/tuần cho một cầu thủ là thách thức rất lớn. Nếu trả thấp hơn, tôi e khó thu hút được những cái tên đủ tốt như kỳ vọng”, ông Tùng nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Hoàng Văn Phúc nhận định, bên cạnh việc mở rộng phạm vi tìm kiếm thì các đội bóng trong nước phải có được nền tảng tài chính vững chắc, đủ đáp ứng yêu cầu về mặt lương, thưởng cho cầu thủ Việt kiều chất lượng cao. Ngoài ra, các đội bóng cũng cần có định hướng phát triển cụ thể, nâng tầm ra sao để thuyết phục cầu thủ đang chơi ở nước ngoài về đầu quân.
Về khả năng hòa nhập tại môi trường bóng đá Việt Nam, ông Phúc nhấn mạnh, chỉ cần cầu thủ đủ giỏi về mặt chuyên môn có thể dễ dàng thích nghi. “Rất nhiều ngoại binh châu Phi, châu Mỹ khi sang Việt Nam hòa nhập rất tốt, không lẽ nào cầu thủ Việt kiều lại không thể hòa nhập. Tôi nghĩ chuyên môn vẫn là yếu tố quyết định lớn nhất, khi họ đủ tốt, họ sẽ biết cách tỏa sáng”, ông Phúc đánh giá.
An Khuê
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dau-hoi-chat-luong-cau-thu-viet-kieu-tai-v-league-192240726000215408.htm