Trang chủ Tin tức Chung khảo Giải báo chí toàn quốc ‘Vì sự nghiệp phát triển...

Chung khảo Giải báo chí toàn quốc ‘Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch’ lần thứ Hai

7
0

Chiều 14/8/2024, tại Hà Nội, Hội đồng Chung khảo Giải báo chí toàn quốc ‘Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch’ lần thứ Hai đã họp vòng Chung khảo, nghe báo cáo kết quả vòng chấm Sơ khảo, thảo luận và thống nhất danh sách tác phẩm đề xuất Ban Tổ chức trao giải theo cơ cấu đã nêu trong Thể lệ Giải.
Dự và chủ trì Vòng chấm chung khảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Chung khảo.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Chung khảo.

Tham dự còn có các thành viên Ban Tổ chức, thành viên Hội đồng chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ, Phó Trưởng BTC Giải cho biết: “Ngày 11/7/2024, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy ký Quyết định số 1910/QĐ-BTCGBC thành lập Hội đồng sơ khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ Hai gồm 05 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh”.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Giải, kể từ ngày phát động, Giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí, các phóng viên nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước.

Tác phẩm tham dự giải được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 15/6/2024.

Giải được trao cho các tác phẩm xuất sắc với cơ cấu, số lượng giải như sau: Giải tập thể: 03 giải Đồng hạng cho 03 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao. Giải cá nhân: 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 05 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cho mỗi loại hình báo chí.

“Đến hết ngày gửi tác phẩm dự thi (20/6/2024 tính theo dấu bưu điện), Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 920 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành được phát động trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đặc biệt của các nhà báo, của công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch”, ông Nguyễn Anh Vũ thông tin.

Sau đó, Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp đã tiến hành rà soát, sàng lọc và loại 26 tác phẩm vi phạm Thể lệ giải. Ngày 15/7/2024, Hội đồng sơ khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ Hai gồm 05 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh đã tiến hành chấm 894 tác phẩm hợp lệ, trong đó: Loại hình báo in có 258 tác phẩm; Loại hình báo điện tử có 235 tác phẩm; Loại hình phát thanh có 92 tác phẩm; Loại hình truyền hình có 222 tác phẩm; Loại hình báo ảnh có 87 tác phẩm. Cơ cấu số lượng tác phẩm lựa chọn vào vòng Chung khảo theo loại hình như sau: Báo in chọn 25 tác phẩm; Báo điện tử chọn 25 tác phẩm; Phát thanh chọn 22 tác phẩm; Truyền hình chọn 25 tác phẩm; Ảnh báo chí chọn 20 tác phẩm.

Công tác chuẩn bị, sàng lọc và tổng hợp tác phẩm được Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp tiến hành nghiêm túc theo đúng Thể lệ Giải, đúng tiến độ; đồng thời phân công 02 cán bộ thư ký phụ trách hỗ trợ chấm giải cho mỗi tiểu ban của Hội đồng Sơ khảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thẩm định tác phẩm của Hội đồng.

Vòng chấm sơ khảo diễn ra từ ngày 15/7 đến ngày 24/7/2024. Căn cứ Quy chế chấm giải, các tiểu ban Hội đồng sơ khảo đã tiến hành thẩm định độc lập, khách quan, minh bạch, và thảo luận tập trung, kỹ lưỡng, công tâm để lựa chọn ra những tác phẩm báo chí nổi bật nhất vào vòng chung khảo. Quá trình chấm sơ khảo được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng Thể lệ và Quy chế chấm giải.

Sau 10 ngày thẩm định, thảo luận và chấm tác phẩm, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 119 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng chung khảo, phân bổ theo loại hình báo chí như sau: Báo in chọn 27 tác phẩm; Báo điện tử chọn 26 tác phẩm; Phát thanh chọn 22 tác phẩm; Truyền hình chọn 25 tác phẩm; Báo ảnh chọn 19 tác phẩm.

Kết quả sơ khảo được Ban Thư ký tổng hợp, hoàn thiện tài liệu đầy đủ và được gửi tới các thành viên Hội đồng chung khảo sớm, tạo điều kiện tốt hơn cho Hội đồng chung khảo nghiên cứu, thẩm định tác phẩm.

Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Sơ khảo đánh giá: “Tác phẩm dự Giải năm nay không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí lớn, nhỏ ở cả Trung ương và địa phương. Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2023 – 2024 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình”.

Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, khai thác như: Vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tình hình mới; Vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Thực trạng của của ngành thể thao và du lịch Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19.

Các đề tài về gìn giữ và phát huy, bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa 54 dân tộc nói riêng; xây dựng nền công nghiệp giải trí, thị trường điện ảnh, thị trường sách và văn hóa đọc; phát triển du lịch, thể thao, xây dựng gia đình, bảo vệ trẻ em…; Vấn đề chuyển đổi số trong trong lĩnh vực văn hóa, những mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển du lịch, văn hóa, thể thao… Đề tài gia đình, về truyền thống hiếu học với những tấm gương nhân vật sống hiếu thảo, nghĩa tình với cha mẹ; hướng độc giả tới những giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống… cũng được nhiều tác giả/ nhóm tác giả quan tâm, khai thác.

“Các bài viết đi sâu vào phân tích những nội dung cụ thể, nêu bật hiện trạng, khó khăn, cơ hội và thách thức trong bảo tồn, phát triển các lĩnh vực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch”, bà Đỗ Thị Thu Hằng cho biết.

Các tiểu ban Hội đồng Sơ khảo đề xuất, kiến nghị Ban Tổ chức nên có những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích đội ngũ phóng viên, nhà báo sáng tạo các tác phẩm chủ đề về gia đình, trẻ em và thể thao nhiều hơn nữa nhằm cân đối lĩnh vực văn hóa với các lĩnh vực còn lại để Giải phản ánh đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực của ngành.

Theo đánh giá của Hội đồng sơ khảo, tác phẩm dự Giải không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí lớn, nhỏ ở cả Trung ương và địa phương.

Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2023 – 2024 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, khai thác như: Vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tình hình mới. Vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Thực trạng của của ngành thể thao và du lịch Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19. Vấn đề gìn giữ và phát huy, bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa 54 dân tộc nói riêng; xây dựng nền công nghiệp giải trí, thị trường điện ảnh, thị trường sách và văn hóa đọc; phát triển du lịch, thể thao, xây dựng gia đình, bảo vệ trẻ em…

Vấn đề chuyển đổi số trong trong lĩnh vực văn hóa, những mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển du lịch, văn hóa, thể thao…Đề tài gia đình, về truyền thống hiếu học với những tấm gương nhân vật sống hiếu thảo, nghĩa tình với cha mẹ; hướng độc giả tới những giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống…Các bài viết đi sâu vào phân tích những nội dung cụ thể, nêu bật hiện trạng, khó khăn, cơ hội và thách thức trong bảo tồn, phát triển các lĩnh vực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Đối với loại hình Báo in, đây là loại hình báo chí có số lượng tác phẩm gửi dự thi lớn nhất. Năm 2024, số lượng tác phẩm được chấm thực tế là 258 tác phẩm, giảm 87 tác phẩm so với năm 2023 (năm 2023 có 345 tác phẩm). Trong đó chiếm khoảng hai phần ba là các loạt bài dài từ 3-5 kỳ. Một số tác phẩm đính thêm các bài phụ lục tham khảo.

Tác phẩm dự thi thuộc nhiều cơ quan báo chí, không chỉ tập trung ở báo chí Trung ương mà có cả báo chí địa phương, báo chí bộ, ngành (Báo Cà Mau, Báo Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bắc Ninh, Bình Phước…). Nhiều cơ quan báo chí cùng lúc gửi nhiều bài/loạt bài dự giải như báo Văn hóa, Nhân Dân, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới…

Về ưu điểm: so với cuộc thi lần thứ nhất, các tác phầm dự thi lần này có nhiều bài viết tốt, chất lượng cao hơn, được đầu tư rất kỹ như: “Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về” (báo An ninh Thủ đô), “Lời thề nơi đầu sóng” (báo Văn Hóa), “Đất nước trên “đôi cánh” sức mạnh mềm” (báo Nhân Dân cuối tuần) “Đấu tranh phòng chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa trong tình hình hiện nay” (Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật), “Kể câu chuyện văn hóa Việt với thế giới” (báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh)…Báo Văn hóa có nhiều bài viết tốt trên nhiều lĩnh vực, phân tích sâu, bài bản, giải pháp tốt.

Các bài viết ở các góc độ khác nhau đã có những đề xuất giải pháp, phương hướng phát triển từng lĩnh vực một cách có trách nhiệm với tinh thần vừa động viên, cổ vũ, vừa đưa ra những kiến giải phù hợp với tình hình thực tế.

Báo chí Trung ương chiếm ưu thế về các tuyến bài lớn, nêu bật được các vấn đề dư luận xã hội quan tâm liên quan đến chủ trương phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Kết quả, Tiểu ban đã lựa chọn 16 tác phẩm của báo chí Trung ương vào vòng chung khảo.

Ngoài báo chí hai thành phố lớn, báo chí địa phương cũng có nhiều tác phẩm tốt tham gia như các bài viết của báo Bắc Ninh, Tây Ninh, Cà Mau, Bạc Liêu… Kết quả, Tiểu ban đã lựa chọn 11 tác phẩm của báo chí địa phương vào vòng chung khảo.

Về hạn chế, vẫn có một số tác phẩm chất lượng chưa cao, có tác phẩm dự thi chỉ dừng ở mức bài phản ảnh bình thường. Một số tác phẩm quá dài, nêu các thực trạng từ báo cáo hoặc hội thảo, thiếu các giải pháp thực tế, hoặc chỉ dẫn lại các kiến nghị từ các báo cáo của cơ quan chuyên môn, thiếu lao động của nhà báo.

Bên cạnh đó, hầu hết các tác phẩm tập trung vào một số mảng chính như công nghiệp văn hóa, bảo tồn di tích, di sản, du lịch… một số mảng khác như lịch sử, gia đình, trẻ em, thể thao… còn ít tác phẩm, chất lượng chưa thật sự cao.

Ngoài ra, còn nhiều địa phương thuộc các tỉnh khu vực miền trung chưa quan tâm gửi tác phẩm dự thi.

Đối với loại hình Báo điện tử, loại hình Báo điện tử có số lượng tác phẩm tham gia dự thi lớn thứ 2 sau Báo in. Mặc dù năm 2024 số lượng giảm đi khoảng 60 tác phẩm so với năm 2023, nhưng so với số lượng của các giải bộ, ngành khác và trong phạm vi báo điện tử thì đây vẫn là con số khá lớn, chứng tỏ Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà báo, phóng viên.

Về ưu điểm, các cơ quan báo chí Trung ương tiếp tục có thế mạnh về các loạt bài, tác phẩm chuyên sâu, đa phương tiện. Một số đơn vị báo chí gửi nhiều tác phẩm như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Văn hóa, Báo Dân trí, Tạp chí Lý luận Chính trị, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Tạp chí Sức khỏe và Cộng đồng…

Một số đơn vị báo chí Trung ương gửi số lượng tác phẩm giảm đi so với năm trước, nhưng chất lượng được đầu tư kỹ càng hơn. Báo chí Trung ương chiếm ưu thế về các tuyến bài lớn, nêu bật được các vấn đề dư luận xã hội quan tâm liên quan đến chủ trương phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

Năm nay có sự tham gia của nhiều tạp chí thể hiện sự lan tỏa của Giải, tính bao quát, tính lý luận về các vấn đề văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình… Sự tham gia của nhiều tạp chí đã mang lại sự phong phú, đa dạng cho các bài dự thi. Kết quả, Tiểu ban đã lựa chọn 16 tác phẩm của báo chí Trung ương vào vòng chung khảo.

Tác phẩm của báo chí địa phương năm nay có chất lượng khá cao. Một số cơ quan báo chí địa phương như Báo Tuyên Quang, Báo Hà Tĩnh… là những đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi và có chất lượng tốt. Báo chí điện tử các địa phương đã đầu tư công phu, trình bày nội dung hấp dẫn, biết cách nêu và giải quyết vấn đề. Kết quả, Tiểu ban đã lựa chọn 10 tác phẩm của báo chí địa phương vào vòng chung khảo.

Các tác phẩm được chọn vào chung khảo hầu hết được trình bày dạng đa phương tiện Mega Story, E-magazine với hình ảnh, video clip, podcast, đồ họa dữ liệu… được trình bày sống động, bắt mắt, tận dụng ưu thế của báo điện tử.

Các cơ quan báo chí lớn như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân, Báo điện tử Dân trí… đã đầu tư các loạt bài cầu kỳ, có chiều sâu, nhiều loạt bài bằng tiếng nước ngoài đã góp phần truyền thông cho độc giả quốc tế về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình; sự phát triển phong phú của các lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của người dân trong thời kỳ hội nhập; nội dung sâu lắng, trình bày chuyên nghiệp.

Về hạn chế, tác phẩm về chủ đề “Gia đình” rất ít, chỉ xuất hiện lác đác vài bài trong tổng số hơn 230 tác phẩm điện tử dự thi.

Ngoài các đơn vị báo chí lớn và một số báo địa phương quan tâm đầu tư các tác phẩm lớn, cầu kỳ từ chủ đề, đề tài, đến nội dung, vẫn còn một số tác phẩm chất lượng còn hạn chế (nhất là báo chí địa phương). Trong đó, nhiều tác phẩm hầu như chỉ có text và ảnh, khâu dựng đa phương tiện hầu như không có.

Vẫn còn nhiều địa phương (chủ yếu các tỉnh miền Trung) chưa quan tâm gửi bài dự thi ở loại hình này.

Đối với loại hình Phát thanh – Truyền hình, tác phẩm dự thi ở loại hình Phát thanh – Truyền hình năm nay có số lượng nhiều hơn năm đầu tiên. Đây là con số khá lớn so với các giải báo chí chuyên ngành khác.

Một số cơ quan báo chí Trung ương gửi tham dự tác phẩm có chất lượng tốt như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm PTTH Quân đội, Kênh Truyền hình Nhân Dân, Kênh Truyền hình Quốc Hội, Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Một số đài địa phương có chất lượng tác phẩm dự thi khá tốt, đồng đều như: Đồng Nai, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Đồng Tháp, Phú Thọ, Bình Phước, Lào Cai …

Ngoài các đơn vị là các đài PTTH cấp tỉnh thì một số báo, Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thông cấp huyện cũng tham gia dự thi. Về ưu điểm, nhìn chung tác phẩm dự giải có nội dung khá tốt. Được lựa chọn vào chung khảo là những tác phẩm bám sát hơi thở của cuộc sống, đặc biệt là làm nổi bật vị trí, vai trò, thành tựu của sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong tiến trình đi lên của đất nước.

Các tác phẩm được đánh giá cao tập trung vào các chủ đề được dư luận quan tâm như phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch bền vững, gìn giữ, bảo tồn chữ viết; những cách làm hay, sáng tạo trong việc bảo tồn và phát huy tinh hoa, di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Truyền thống, nét đẹp văn hóa, du lịch, phong trào thể thao của các vùng miền cũng là những đề tài được nhiều tác phẩm đề cập một cách sâu sắc, hấp dẫn.

Đáng chú ý có nhiều tấm gương tận tụy, hết lòng đóng góp vì sự nghiệp giữ gìn văn hóa, nghệ thuật dân tộc được nhiều tác phẩm phản ánh sinh động, có sức thuyết phục qua những câu chuyện, những việc làm cụ thể. Trong số các tác phẩm được chọn vào chung khảo, thế mạnh của các đơn vị báo chí Trung ương là các đề tài chính luận, các vấn đề mang tầm bao quát. Trong khi khối báo chí địa phương mạnh về các bài phản ánh, cách làm mới, độc đáo của cơ sở, nhất là về văn hóa quần chúng, thể thao, du lịch.

Tác phẩm truyền hình được các giám khảo đánh giá tốt đều là tác phẩm được khán giả quan tâm, tạo hiệu ứng tuyên truyền tốt, nội dung sáng tạo, mới mẻ trong phát hiện đề tài, cách kể chuyện hấp dẫn, có sức thuyết phục và nhất là nhuần nhuyễn trong sử dụng yếu tố đặc trưng của truyền hình đó là hình ảnh, lời bình, âm thanh.

Nhiều tác phẩm phát thanh được đầu tư công phu, thể hiện chuyên nghiệp trong xử lý âm thanh, tiếng động và lời bình. Nhiều tác phẩm về đề tài di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa vùng miền, đặc biệt là âm nhạc, hội họa, du lịch có sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với bạn nghe đài.

Về nhược điểm, số lượng tác phẩm lớn nhưng số đơn vị tham gia không nhiều, chỉ tập trung ở một số cơ quan báo chí lớn ở Trung ương, nhất là đối với phát thanh. Còn rất nhiều Đài PTTH tỉnh, kể cả ở các tỉnh thành phố lớn chưa có tác phẩm dự thi. Đáng chú ý một số đơn vị thiếu chọn lọc, gửi dự thi tràn lan, nhưng chất lượng không cao.

Chất lượng tác phẩm chưa đồng đều, còn có độ chênh rất lớn giữa các tác phẩm dự thi, giữa các đơn vị. Mặt bằng chung các tác phẩm dự thi ở mức trung bình khá. Có rất ít tác phẩm về đề tài gia đình ở cả loại hình truyền hình và phát thanh.

Đối với loại hình Ảnh báo chí, năm nay số lượng tác phẩm về ảnh vẫn chưa nhiều. Số lượng tác phẩm ảnh báo chí ở địa phương, các tỉnh thành phố năm nay cao hơn, không chỉ khu vực các tỉnh miền Bắc mà có cả miền Trung và miền Nam gửi tác phẩm tham dự mặc dù số lượng tác phẩm tham dự chưa cao bằng khu vực phía Bắc.

Trong tác phẩm ảnh về văn hóa thể thao du lịch thì tác phẩm ảnh về lĩnh vực văn hóa số lượng có nhiều hơn, còn về thể thao và du lịch số lượng còn ít. Trong mảng văn hóa, thể thao và du lịch rất cần những đơn vị tiêu biểu, con người tiêu biểu, và còn rất ít những chân dung điển hình, trong thể thao thì xuất hiện nhiều hơn nhưng lặp lại chỉ ở một số vận động viên thể thao nổi trội. Trong khi đó ở thể thao quần chúng, những người làm công tác đào tạo, công tác huấn luyện, gây dựng phong trào thể thao thì ít thấy thể hiện, chỉ xuất hiện ở vẻ bề ngoài, ít khai thác, đi sâu vào nội dung.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông về nội dung giải đến các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo nhất là các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên để khuyến khích gửi tác phẩm dự thi cho các mùa giải tiếp theo.

Theo Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội đồng chung khảo thì: “Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” là động lực thúc đẩy các cơ quan báo chí quan tâm đầu tư thỏa đáng hơn về lĩnh vực này, từ giải thưởng lần trước, ý thức của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm dành thời lượng nhiều hơn thể hiện qua việc sự tham gia của tác giả nhóm tác giả đến với Giải thưởng lần thứ 2 này với số lượng khá lớn trên 900 tác phẩm.

Bên cạnh số lượng nhiều chúng tôi cũng thấy chủ đề văn hóa cũng rất là đa dạng nhiều lĩnh vực, các lĩnh vực của nhà nước chỉ đạo công tác tư tưởng, định hướng phát triển ngành văn hóa nói chung, nhiều vấn đề được đề cập tới như văn hóa truyền thống, văn hóa đương đại, được đề cập đến từ vấn đề vi mô đến vĩ mô. Có nhiều tác phẩm tấm gương người tốt việc tốt, cái hay cái đẹp từ gia đình cộng đồng, từ những đơn vị và những cá nhân nổi bật cũng là điểm sáng của giải thưởng năm nay.

Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí có cách biểu đạt đa dạng hơn, không nhất thiết chúng ta phải nói trực tiếp về vấn đề văn hóa, chúng ta có thể mở rộng ra các vấn đề về kinh tế lồng yếu tố văn hóa vào rất là hiệu quả đó là chưa kể đến mong muốn của chúng tôi là những tuyến bài cần đi theo hướng báo chí giải pháp đưa ra được những cái định hướng giải pháp để phát triển trong thời buổi công nghệ cao không thể theo cách thức truyền thống trước kia thông qua các chuyên gia đóng góp các giải pháp để ngành văn hóa có thể tham khảo để có cách thức phát triển hiệu quả trong tương lai”.

Sau khi bỏ phiếu, Hội đồng Chung khảo sẽ thống nhất sẽ trao giải thưởng ở các loại hình gồm: Báo in, báo Điện tử, Phát thanh, Truyền hình, Báo ảnh. Ngoài ra, Giải tập thể được trao cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự Giải, đạt kết quả cao.

Kết quả của Vòng chung khảo sẽ được công bố tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai, diễn ra tối 28/8/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Mai Chí Vũ

Nguồn: http://www.baoquangtri.vn/chung-khao-giai-bao-chi-toan-quoc-vi-su-nghiep-phat-trien-van-hoa-the-thao-va-du-lich-lan-thu-hai-187615.htm

Bài trước119 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải báo chí toàn quốc ‘Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch’
Bài tiếp theo119 tác phẩm vào chung khảo Giải báo chí Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch 2024

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây