Những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đặc biệt là sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án ‘Phát triển TDTT quần chúng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 – 2027, định hướng đến năm 2030’ (gọi tắt là Đề án).Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, cũng như các yếu tố về văn hóa, phong tục tập quán, sở thích của người dân, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang luôn phát triển đa dạng các loại hình tập luyện và hoạt động TDTT mang tính phổ biến đối với nhiều người, ở mọi lứa tuổi, giới tính… giúp người dân có thể tự chọn cho mình một môn thể thao yêu thích hoặc nội dung, hình thức tập luyện phù hợp để rèn luyện hằng ngày.
Phong trào TDTT quần chúng Tiền Giang ngày càng phát triển (trong ảnh: Vận động viên tham dự Giải Việt dã Báo Ấp Bắc lần thứ 39 năm 2024).
Các hình thức tập luyện TDTT đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị như: Chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá mini, bóng chuyền… phát triển mạnh ở các địa phương. Thông qua cuộc vận động, phong trào rèn luyện thân thể, luyện tập TDTT trong nhân dân được đẩy mạnh, ngày càng mở rộng và từng bước phát triển.
Theo đó, số người tập luyện hằng năm không ngừng gia tăng, năm 2022 – năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt 35% (tăng 0,8% so với năm 2021), số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên chiếm trên 23,8% (tăng 0,52% so với năm 2021).
Tiếp đến năm 2023, hoạt động TDTT quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển thông qua Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các ngày lễ kỷ niệm lớn của địa phương, của đất nước. Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ 36,8%, tăng 0,95% so với năm 2022; có 119.879 hộ gia đình tham gia tập luyện TDTT, đạt tỷ lệ 24,50%, tăng 0,47% so với năm 2022.
Tỉnh đã thu hút được 12 dự án đầu tư với tổng kinh phí hơn 10,7 tỷ đồng, gồm: 4 câu lạc bộ thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ; 1 hồ bơi tại huyện Châu Thành; 1 hồ bơi và 1 phòng tập thể hình ở huyện Chợ Gạo; 1 dự án sân bóng đá mini tại huyện Gò Công Tây và 2 hồ bơi cho học sinh trong trường học tại huyện Gò Công Đông.
Bên cạnh đó, tỉnh có 2 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động TDTT thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa. Với những cơ chế, chính sách về xã hội hóa được ban hành kịp thời đã góp phần tạo điều kiện cho các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT lớn, nhỏ với các môn: Bơi lội, thể dục thể hình, bóng đá, các môn võ, aerobic, yoga… đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân.
Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng TDTT công cộng như: Các trung tâm, khu tập đa năng, các điểm tập luyện vui chơi, với các thiết bị đơn giản tại các xã, phường, thị trấn, khu dân cư…, tạo mạng lưới hạ tầng TDTT đáp ứng nhu cầu tập luyện hằng ngày của nhân dân.
Trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT đơn giản được đặt tại các trung tâm văn hóa – thể thao, công viên, những nơi công cộng rộng rãi, thoáng mát, thường xuyên có nhiều người đến vui chơi, tập luyện TDTT trên toàn tỉnh. Đây là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra tại Đề án.
Từ khi triển khai đến khi hoàn tất Đề án, TP. Mỹ Tho sẽ lắp đặt từ 8 – 10 điểm tại các trung tâm văn hóa – thể thao xã, phường; các công viên lớn và các khu vực công cộng, khu vực đông dân cư như: Quảng trường, các bờ kè sông, hồ và các công viên… TP. Gò Công và TX. Cai Lậy, mỗi nơi đặt từ 6 – 8 điểm tại các trung tâm văn hóa – thể thao xã, phường; các bờ kè sông, rạch, công viên hoặc nơi công cộng, đối với các huyện, mỗi nơi đặt từ 4 – 6 điểm tại các trung tâm văn hóa – thể thao, nhà văn hóa xã, thị trấn; các bờ kè sông, rạch, công viên hoặc nơi công cộng.
Theo ghi nhận, trong 2 năm qua, các dụng cụ tập luyện nơi công cộng được trang bị rộng khắp, với nhiều chức năng khác nhau. Tiến độ thi công các công trình, dự án về TDTT được đẩy nhanh, đặc biệt là trong các trường học, cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc rèn luyện giáo dục thể chất của học sinh, sinh viên và người dân có nhiều sự lựa chọn trong rèn luyện sức khỏe hằng ngày.
Bên cạnh đó, các mô hình câu lạc bộ TDTT, các điểm vui chơi của trẻ em được thành lập ở các khu phố, ấp và trong các cơ quan, đơn vị đã đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của nhân dân. Thông qua cuộc vận động, phong trào rèn luyện thân thể, luyện tập TDTT trong các đối tượng được đẩy mạnh, ngày càng mở rộng và từng bước phát triển.
Mặc dù phong trào TDTT quần chúng của tỉnh đã có bước phát triển mạnh cả về chất và lượng, song để phát triển sâu, rộng hơn, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, các cấp, ngành chức năng, địa phương cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
HỮU NGHỊ
Nguồn: http://baoapbac.vn/the-thao/202408/tien-giang-sau-2-nam-thuc-hien-de-an-phat-trien-the-duc-the-thao-quan-chung-giai-doan-2022-2027-1019819/