Trước định kiến cho rằng chơi pickleball dễ dàng và nhẹ nhàng, các tay vợt chuyên nghiệp khẳng định môn thể thao này đòi hỏi cường độ di chuyển lớn, có khả năng gây chấn thương.
Người chơi pickleball chuyên nghiệp trải qua quá trình luyện tập nghiêm ngặt. Ảnh minh họa: NVCC.
Người chơi tennis và pickleball chuyên nghiệp Marcel Chan (29 tuổi, TP.HCM) khẳng định rằng mỗi môn thể thao có khó khăn riêng. Nói cách khác, pickleball không dễ như lời đồn.
Dù có rào cản gia nhập thấp vì không yêu cầu những kỹ thuật như tennis, song pickleball đòi hỏi người chơi tăng và giảm tốc độ trong thời gian ngắn, khiến cơ thể mệt mỏi khi chơi liên tục.
Marcel Chan cho biết diện tích sân pickleball nhỏ yêu cầu người chơi tập trung cao độ. Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, diện tích sân pickleball cũng nhỏ hơn sân tennis, yêu cầu các tay vợt tập trung tối đa tinh thần. Định dạng tính điểm riêng khiến mỗi điểm đều trở nên đặc biệt quan trọng, gia tăng độ khó cho bộ môn.
“Trong quá trình luyện tập, thi đấu từ năm 2023 đến nay, tôi may mắn chỉ bị thương ở ngón chân cái. Tuy nhiên, tôi biết nhiều người chơi pickleball chuyên nghiệp gặp chấn thương nặng, đổ mồ hôi, nước mắt và máu trên sân”, Marcel Chan nói.
Trở nên thịnh hành tại Việt Nam từ mùa hè năm nay, pickleball trở thành môn thể thao thu hút số lượng lớn người chơi. Được đánh giá là dễ nhập môn hơn tennis, nhưng pickleball cũng yêu cầu người chơi chuyên nghiệp trải qua quá trình luyện tập, nâng cao trình độ nghiêm ngặt, khắt khe.
Tình trạng chấn thương khi tham gia chơi, thi đấu bộ môn này không hiếm gặp. Ebuchi Shinya, Giám đốc đại diện một công ty Nhật Bản chuyên sản xuất phụ kiện bảo vệ cơ thể khi chơi thể thao tại Việt Nam, chia sẻ với Tri Thức – Znews rằng doanh thu của đơn vị này tăng gấp 4 lần so với năm ngoái khi pickleball nở rộ.
Khó khăn của tay vợt chuyên nghiệp
Tương tự Marcel Chan, tay vợt tennis và pickleball chuyên nghiệp Nguyễn Anh Thắng (37 tuổi, Hà Nội) cũng khẳng định mỗi môn thể thao có khó khăn riêng. Việc gia nhập pickleball tương đối dễ dàng, phù hợp với nhiều đối tượng, song quá trình luyện tập và thi đấu chuyên nghiệp đặt ra nhiều thách thức.
Về kỹ thuật thi đấu nâng cao, dink hay drop short đều được đánh giá là khó. Về thể lực, việc di chuyển liên tục trên mặt sân nhỏ, đón số lượng lớn đường bóng qua lại khiến nhịp tim tăng nhanh hơn bình thường.
Trong quá trình thi đấu chuyên nghiệp hơn một năm nay, Anh Thắng từng gặp chấn thương ở nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm đầu gối, lưng và hông. Để bảo vệ cơ thể, tay vợt này khởi động kỹ trước khi vào sân, giãn cơ mỗi lần đánh xong, giúp cơ trở nên mềm hơn, giảm khả năng chấn thương.
Nguyễn Anh Thắng gặp chấn thương trong quá trình thi đấu, luyện tập pickleball. Ảnh: NVCC.
Trong khi đó, người chơi chuyên nghiệp, huấn luyện viên pickleball Nathan Willis (34 tuổi, TP.HCM) từng là vận động viên ATP – giải đấu quần vợt hàng đầu thế giới dành cho nam do Hiệp hội quần vợt thành lập năm 1990 tổ chức. Sau 12 năm làm huấn luyện viên tennis, Nathan chuyển sang chơi và đào tạo pickleball.
Theo anh, tennis là bộ môn đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, chỉ sau golf. Ở chiều ngược lại, pickleball không yêu cầu nhiều kỹ năng năng, nhưng mang lại nhiều giá trị khác cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
“Giống với nhiều bộ môn khác, người chơi pickleball càng đạt đến trình độ cao càng phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn”, Nathan chia sẻ.
Bên cạnh đó, nội dung thi đấu đơn cũng đặt ra yêu cầu lớn về sức bền và mức độ chuyển động trên sân.
Tương tự các tay vợt chuyên nghiệp khác, Nathan Willis cũng gặp chấn thương trong quá trình luyện tập, bao gồm viêm cân gan chân và lưng dưới. Việc gặp chấn thương là điều không thể tránh khỏi, chứng minh mức độ đòi hỏi cao của pickleball với người chơi.
Dù đánh giá cao khả năng tồn tại lâu dài của pickleball, Nathan vẫn nhận thấy nguy cơ bão hòa khi số lượng sân chơi, thương hiệu trang thiết bị luyện tập gia tăng đáng kể trong thời gian ngắn.
“Nếu không nỗ lực để trở nên nổi bật về mặt quản lý và huấn luyện trên một thị trường cạnh tranh, các đơn vị kinh doanh có thể gặp khó, dù bộ môn này vẫn thu hút nhiều người chơi mới”, Nathan nói.
Thương hiệu thiết bị bảo vệ hưởng lợi
Theo Ebuchi Shinya, người Việt đang dần thay đổi quan niệm về việc bảo vệ cơ thể khi chơi thể thao.
“Dù là người chơi nghiệp dư hay chuyên nghiệp, ai cũng có ý thức phòng tránh chấn thương để đạt hiệu quả chơi tốt nhất”, ông nhận định.
Khác với bóng đá, tennis, cầu lông, các môn thể thao thường được nam giới quan tâm, phụ kiện pickleball lại bán chạy cho nữ giới.
Các sản phẩm của công ty có giá cao hơn so với mặt bằng chung, chẳng hạn một cặp đai bó gối cao cấp có giá hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, người chơi vẫn chịu chi vì chất lượng và hiệu quả mà chúng mang lại.
“Có những khách hàng chơi pickleball chi đến 10 triệu đồng để mua phụ kiện bảo vệ”, ông tiết lộ với Tri Thức – Znews.
Theo ông Shinya, người chơi pickleball nên quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ đầu gối, mắt cá chân và cổ tay. Ông cũng chia sẻ rằng các loại phụ kiện hiện nay được thiết kế mỏng nhẹ, vừa bảo vệ người chơi vừa đảm bảo trải nghiệm thoải mái khi vận động.
Cụ thể, đai bảo vệ đầu gối giúp giảm áp lực lên khớp gối, hạn chế chấn thương khi di chuyển và tiếp đất. Băng cổ chân hỗ trợ mắt cá chân, giúp cố định và bảo vệ vùng này khi xoay người, chuyển hướng. Cổ tay cũng cần được bảo vệ bằng băng chuyên dụng để tránh chấn thương khi cầm vợt và thực hiện các cú đánh.
Bảo vệ cơ thể khỏi chấn thương là việc quan trọng khi chơi pickleball nghiệp dư và chuyên nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Pickleball được xem là môn thể thao “dễ chơi”, song nghiên cứu của Viện Hàn lâm Phẫu thuật Chỉnh hình Mỹ cho thấy số ca gãy xương liên quan đến pickleball đã tăng gấp 90 lần, đặc biệt từ năm 2020 trở đi.
Từng chia sẻ trên New York Times, Noe Sariban, chuyên gia vật lý trị liệu và cựu VĐV pickleball chuyên nghiệp ở Mỹ, nhận định nguyên nhân là số lượng người chơi tăng đột biến và độ tuổi trung bình của ngời chơi pickleball lớn hơn nhiều so với các môn thể thao khác.
Theo bác sĩ chỉnh hình Thomas Evely tại Trung tâm Y học Thể thao và Vận động thuộc Đại học Alabama tại Birmingham (Mỹ), các chấn thương phổ biến nhất là căng cơ và bong gân.
“Pickleball đòi hỏi sự di chuyển nhanh và khả năng giữ thăng bằng, dễ dẫn đến té ngã hoặc chấn thương do vận động quá mức”, ông nói.
Để phòng tránh chấn thương, ngoài việc trang bị phụ kiện bảo vệ, bác sĩ Evely khuyến nghị:
Tăng cường sức mạnh cơ bắp: Tập trung vào cơ core, chân và thân trên.
Khởi động kỹ lưỡng: Dành 5-10 phút để giãn cơ, tăng cường lưu thông máu.
Thư giãn sau buổi tập: Đi bộ và giãn cơ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Linh Vũ – Như Phương
Nguồn: https://lifestyle.znews.vn/tay-vot-tphcm-phu-nhan-pickleball-la-mon-the-thao-duong-sinh-post1506017.html