Điền kinh Việt Nam chờ đợi chương trình đầu tư phát triển trọng tâm nhất hướng tới năm 2030, tầm nhìn 2045 nhưng vẫn còn nhiều xem xét.
Người làm chuyên môn vẫn chờ đợi sẽ có một chương trình đầu tư để điền kinh Việt Nam phát triển bền vững tạo được sự mạnh mẽ nhất.
Chiến lược trở thành Đề án
Trong các môn thể thao thành tích cao (ngoài bóng đá), điền kinh đã được yêu cầu xây dựng Chiến lược phát triển điền kinh Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Tuy vậy, sau những tính toán xem xét, lúc này, nội dung đã chuyển hướng thành Đề án phát triển điền kinh Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Hiện tại, Đề án đang được xây dựng.
Về tên gọi và quy mô, khi môn thể thao cụ thể không còn được xây dựng kế hoạch tầm Chiến lược thì đồng nghĩa mức độ đã giảm hơn. Vai trò Đề án có những ý nghĩa về sự đầu tư, định hướng dù vậy mức độ là nhỏ hơn so với Chiến lược. Bởi Chiến lược sẽ cần sự đồng bộ của nhiều đơn vị liên quan cùng thảo luận chung đưa ra quyết sách để ban hành chứ không đơn thuần do ngành thể thao quyết định (nếu là Đề án).
Mục tiêu của Chiến lược phát triển điền kinh Việt Nam không ngoài việc tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện để tìm ra những con người tốt nhất cho môn thể thao từ đó giành thành tích trên đấu trường quốc tế. Đề án cũng có thể làm được như vậy. Nhưng rõ ràng, nếu chương trình dành cho điền kinh là Chiến lược thì đó sẽ là môn điểm để nhà quản lý thể thao có được kiểu mẫu trong đầu tư, đánh giá về tính hiệu quả cũng như kinh nghiệm rút ra khi đưa vào thực tiễn. Có như thế, chúng ta mới xây dựng chương trình tiếp theo cho một số môn trọng điểm khác.
Nguồn lực từ đâu
Một trong những vấn đề mà điền kinh Việt Nam tập trung hướng tới để phát triển là tìm thêm nguồn lực xã hội hóa. Năm 2022 khi Liên đoàn Điền kinh Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, nhiều ý kiến về chuyên môn và quản lý đưa ra phân tích các mục tiêu làm sao để điền kinh Việt Nam phát triển tốt nhất và có sự đồng bộ từ địa phương đến Trung ương. Trong đó, việc phải giải quyết làm nguồn lực chi trả cho các chương trình đào tạo, đầu tư cần bền vững, dài hơi.
Điền kinh được nằm trong danh sách nhóm môn được thực hiện trong Đề án “tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” (được phê duyệt, thực hiện từ tháng 2/2019). Mục tiêu cao nhất của 16 môn nằm trong Đề án này là tìm nguồn nhân lực tài năng. Đến lúc này, qua nhiều giai đoạn rà soát và kiểm tra, công tác vẫn chưa tiến triển nhiều do hạn chế kinh phí thực hiện.
Liên đoàn Điền kinh Việt Nam từng bày tỏ với Cục Thể dục thể thao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về một cơ chế để có sân bãi tập luyện tốt nhất cho vận động viên điền kinh Việt Nam (trong đó có sân tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình). Một đề xuất đang được đưa ra là Liên đoàn Điền kinh Việt Nam xin cơ chế để quản lý sân phụ điền kinh tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình làm cơ sở vật chất để hình thành Trung tâm đào tạo vận động viên điền kinh Việt Nam. Dù vậy, đây vẫn là bài toán chưa thể thực hiện. Dự toán con số kinh phí (đơn vị: tỷ đồng) để đầu tư khi Đề án phát triển điền kinh Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 được phê duyệt và thực thi hoàn toàn có thể tính được khi các đơn vị chuyên môn xây dựng nội dung. Tuy nhiên, nguồn nào cho thực hiện điều này rất khó tính được cụ thể.
Điền kinh là môn thu hút đông đảo các đơn vị trong cả nước đầu tư đào tạo về thành tích cao, chuyên nghiệp. Tuy vậy, các giải điền kinh trong nước đang rất khó tìm được nhà tài trợ đồng hành bởi môn thể thao có những đặc thù, đồng thời chưa nhiều nhãn hiệu muốn đồng hành cùng giải điền kinh quốc gia.
Theo Báo SGGP
Nguồn: https://baonamdinh.vn/the-thao/202410/khi-chien-luoc-cua-dien-kinh-viet-namda-xuong-thanh-de-an-b301148/