Nghị định 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng vừa được Chính phủ ban hành. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế – TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, Nghị định không những xóa cách hiểu không đúng trước đây về việc dùng nguồn chi thường xuyên để xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình đầu tư công mà còn đáp ứng thực tiễn về quản lý ngân sách hiện nay.
PV: Trước những cách hiểu chưa đúng về việc dùng chi thường xuyên để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng thời gian qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 138/2024/NĐ-CP quy định rõ hơn về nội dung này. Quan điểm của ông như thế nào về việc ban hành Nghị định này?
TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết phải ghi nhận việc ban hành Nghị định 138/2024/NĐ-CP là 1 trong những hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Chính phủ được thực hiện rất nhanh, thậm chí là cực nhanh, nó gắn liền với thực tiễn nảy sinh những bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) nhất là chi thường xuyên thời gian vừa qua, đồng thời gắn liền với chỉ đạo về phòng chống lãng phí của Tổng Bí thư.
TS. Nguyễn Minh Phong
Nghị định đã tuân thủ các quy định của pháp luật đó là dựa trên sự đồng thuận và nhất trí 100% của các bộ, ban, ngành, địa phương được lấy ý kiến. Đồng thời, Nghị định đã tập trung giải quyết tương đối trọn vẹn và chặt chẽ các quy định có liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc cho việc mua sắm tài sản và cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Việc ban hành Nghị định 138/2024/NĐ-CP là 1 trong những hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Chính phủ được thực hiện rất nhanh, thậm chí là cực nhanh, nó gắn liền với thực tiễn bất cập trong quản lý, sử dụng NSNN nhất là chi thường xuyên thời gian vừa qua, đồng thời gắn liền với chỉ đạo về chống lãng phí của Tổng Bí thư.
Đặc biệt, Bộ Tài chính là cơ quan soạn thảo Nghị định đã nhanh chóng sớm hoàn thành dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành. Tôi tin rằng, Nghị định sẽ tháo gỡ được rất nhiều điểm nghẽn của các hoạt động mua sắm tài sản; cải tạo, mở rộng, xây mới các hạng mục công trình bằng chi thường xuyên, từ đó giúp chi tiêu công được đẩy nhanh.
PV: Các quy định tại Nghị định được cho là khá chặt chẽ và rất sát với thực tiễn. Ông có cùng quan điểm này không?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này. Về nguyên tắc bố trí dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước tôi thấy quy định khá chặt chẽ. Nguyên tắc này buộc các hoạt động mua sắm tài sản; cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng phải không trùng lắp với các nhiệm vụ có cùng nội dung mà đơn vị đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Đồng thời, các công việc phải được thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo quy trình lập hồ sơ, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nghĩa là tất cả các quy định có liên quan đều phải được tuân thủ, đặc biệt là những hoạt động mua sắm, xây mới, mở rộng phải căn cứ vào các tiêu chuẩn về tài sản công được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công cũng như tiêu chuẩn về văn phòng, trụ sở đã được quy định.
Ảnh minh họa: H.T
Một trong những điểm mới và tích cực của Nghị định này chính là việc phân quyền hay đúng hơn là việc quy định rõ cấp thẩm quyền quyết định các mức đầu tư. Với các mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng; từ 45 tỷ đồng đến 120 tỷ và trên 120 tỷ đồng theo tôi là rất phù hợp, vừa sát với thực tiễn vừa đảm bảo việc phân cấp và xu hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương với nguyên tắc thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách đảm bảo, đồng thời không vượt quá tổng chi thường xuyên đã được phê duyệt. Tất cả những nguyên tắc này đều rất quan trọng trong quản lý tài chính.
TS. Nguyễn Minh phong cho biết, địa phương, các bộ, ngành có liên quan và cả giới chuyên gia kinh tế đều rất kỳ vọng thông qua Nghị định 138/2024/NĐ-CP không chỉ giải tỏa được những điểm nghẽn trong chi thường xuyên thời gian qua mà còn giúp tăng tính chủ động của các đơn vị sử dụng ngân sách 1 cách hiệu quả nhất. Đặc biệt việc quản lý NSNN nói chung và quản lý chi thường xuyên cho mua sắm tài sản; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các hạng mục trở nên tường minh hơn, nhất là giảm thiểu tình trạng lãng phí do không được mua sắm hoặc là lãng phí do mua sắm quá mức.
Đặc biệt, tôi cho rằng Nghị định 138/2024/NĐ-CP đã đáp ứng được các nội dung trong thực tiễn, nhất là trong quá trình hoạt động tổ chức của đơn vị có những nhu cầu phát sinh đột ngột, không thể đưa vào kế hoạch trung hạn được.
Tôi lấy ví dụ như cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra những đổ vỡ, thiệt hại khách quan, bất khả kháng cho nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Hoặc là tình trạng trụ sở xuống cấp quá mức của nhiều cơ quan, đơn vị; những khoản cần phải chi thêm trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý nhà nước kể cả những nhiệm vụ lớn như Đề án 06 đều đang thiếu vốn. Tất cả các việc này đều phát sinh mới, không nằm trong kế hoạch trung hạn được, nhưng Nghị định 138/2024/NĐ-CP sẽ giải quyết được những vấn dề này.
PV: Nghị định có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký ban hành. Để việc áp dụng các quy định được thuận lợi, theo ông, những điểm gì cần được lưu ý để công tác mua sắm, sửa chữa, cải tạo… này đạt hiệu quả cao, không gây lãng phí?
TS. Nguyên Minh Phong: Tại Luật NSNN cho phép dùng nguồn chi thường xuyên để mua sắm trang thiết bị phục vụ bộ máy; tại Luật Đầu tư công cũng có quy định về nội dung này. Điều đó đã dẫn đến cách hiểu là các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… phải bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, nghĩa là phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn mới thực hiện được.
Điều này đã được phản ánh trong suốt thời gian qua và đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội, vì trong thực tiễn, các nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mua sắm,…nhất là đối với các công trình quy mô nhỏ diễn ra thường xuyên và không thể chờ đợi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP đã có những quy định rõ hơn về căn cứ, đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ được dùng nguồn chi thường xuyên để thực hiện.
Tuy nhiên, để thuận lợi trong thực hiện cũng như để tránh lãng phí, theo tôi tại thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định nên có những quy định về kiểm tra giám sát hoạt động mua sắm, cải tạo, nhất là những quy định về tiêu chuẩn được phép loại bỏ tài sản cũ để mua sắm cái mới. Đồng thời, cần quy định rõ đầu mối chịu trách nhiệm (cả thủ trưởng, cả cơ quan tư vấn và các đơn vị quản lý có liên quan) để tránh “làn sóng” mua sắm gây tốn kém lãng phí trong thời gian tới.
Ngoài ra, về chi tiêu công cho mục đích quản lý nhà nước cũng như gia tăng các tài sản nhà nước hoặc bảo dưỡng thì việc thực hiện đúng quy trình và tăng trách nhiệm của các đơn vị chủ quản duyệt các kế hoạch mua sắm, sửa chữa, cải tại, nâng cấp cũng cần phải được làm rõ và có cơ chế để kiểm tra chéo. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần phải có những đánh giá hàng năm để tránh lãng phí, gây ra những thiệt hại lớn cho ngân sách cũng như tài sản công.
PV: Xin cảm ơn ông!
Vân Hà
Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nghi-dinh-1382024nd-cp-da-dap-ung-yeu-cau-thuc-te-ve-quan-ly-ngan-sach-162893.html