Các chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước đã tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của Thể thao điện tử trong thời gian qua. Để tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển, cần hoàn thiện hơn về chính sách, quy định.
Kết quả tích cực sau chính sách khuyến khích
Với sự đổi mới gắn liền với các xu hướng công nghệ trên thế giới, ngành game đã cho thấy tiềm năng phát triển và những hứa hẹn về giá trị cho nền kinh tế. Nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển, năm 2016, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã xác định “phần mềm và các trò chơi giải trí” là một trong 13 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa.
Các chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước đã tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của Thể thao điện tử trong thời gian qua
Đến tháng 11/2021, Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến 2030 đã có những chính sách chuyên biệt hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Những chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước đã tạo đà phát triển của E-sports tại Việt Nam, từ đó, tạo ra nguồn thu đáng kể. Ngành công nghiệp game Việt Nam trong những năm qua có bước tiến vượt bậc với khoảng 54,6 triệu người chơi game mảng về nguồn doanh thu không lồ. Thống kê năm 2023 là 507 triệu USD, trong đó mảng game liên quan đến E-Sports đạt được nhiều thành tích cao.
Ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cho biết, tại Việt Nam, hiện nay thể thao điện tử đã trở nên phổ biến, trở thành một trong những môn thể thao được nhiều người ưa thích. Các câu lạc bộ thể thao điện tử chuyên nghiệp, phong trào đang được tổ chức và phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Các giải thể thao điện tử phong trào cũng đã được tổ chức rất thường xuyên và đang dần hoàn thiện cả về qui mô và chất lượng, hướng tới giải đấu chuyên nghiệp. Tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 10 bộ môn thể thao điện tử phổ biến, có hệ thống giải đấu ở đủ các cấp độ từ giải cộng đồng, phong trào, giải sinh viên, bán chuyên và chuyên nghiệp với tổng cộng khoảng 40 Câu lạc bộ (Đội tuyển) chuyên nghiệp đã và đang hoạt động, tham gia thi đấu tại các giải đấu trong nước và quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở các nội dung giải trí điện tử và các giải đấu, với tốc độ phát triển nhanh chóng của thể thao điện tử, một hệ sinh thái bao gồm nhiều mảng kinh doanh đang được hình thành và phát triển mạnh mẽ: Kinh doanh địa điểm thi đấu, bản quyền truyền thông và tổ chức giải, tài trợ và quảng cáo, kinh doanh sản phẩm phái sinh, hoạt động live streaming,…
Các đội tuyển Thể thao điện tử Việt Nam đã giành nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp đầy hứa hẹn, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 512/QĐ-BTTTT về Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, lĩnh vực thông tin điện tử đặt mục tiêu tăng doanh thu ngành công nghiệp trò chơi điện tử trong nước từ 400 triệu USD lên 800 triệu USD; tỷ lệ trò chơi điện tử sản xuất trong nước chiếm 25%. Đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung, hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp game trong nước.
Các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng (game online), giai đoạn 2022-2027. Trong đó, lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng trong nước là một trong những mục tiêu quan trọng được tập trung phát triển.
Các đơn vị chức năng triển khai các chương trình đào tạo, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp sản xuất game của nước ngoài; Tổ chức các Hội thảo kết nối ngành game; các Hội thảo kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các quỹ đầu tư…
Đánh giá về tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển của ngành công nghiệp game Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) khẳng định, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, game là ngành công nghiệp đóng góp rất tốt vào sự phát triển của đất nước.
Chiến lược Phát triển Ngành Game được Bộ TT&TT xây dựng trình Chính phủ ban hành bao gồm các mục tiêu thành lập liên minh game; thay đổi định kiến để xã hội thấy rằng ngành game đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; kêu gọi các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam.
Mở rộng hành lang pháp lý
Mảng Thể thao điện tử hiện nay tại Việt Nam tuy có rất nhiều giải đấu và đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ nhưng lại thiếu một tầm nhìn chung và sự nhất quan khi một số giải đấu lớn chủ yếu đến từ những đơn vị phát hành nhằm quảng bá trò chơi. Để phát triển ngành Thể thao điện tử, rõ ràng cần triển khai với một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Từ sự nhất quán trên sẽ giúp đáp ứng tối đa các nhu cầu từ người chơi, các đơn vị sản xuất và các nhà hoạch định chính sách.
Cần có sự nhất quán trong công tác phát triển Thể thao điện tử giải trí
Trong định hướng phát triển thể thao điện tử thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp, chặt chẽ các Bộ, ngành khác để có những hỗ trợ ưu tiên phát triển ngành game. Trong đó, bỏ các loại thuế không hợp lý; có các chính sách thí điểm (sandbox) đối với các thể loại game mới; trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý game, trong đó kiến nghị bỏ các giấy phép, thủ tục hành chính rườm rà để các doanh nghiệp game thuận lợi hơn trong việc phát triển.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT&TT, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cùng các đơn vị liên quan đã và đang xây dựng các nền tảng quan trọng, trong đó có việc đào tạo. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thể thao Điện tử giải trí Việt Nam nhiệm kỳ IV (2024-2029) diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua.
Theo ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch VIRESA, công tác đào tạo chiếm 5 trong tổng số 12 nhiệm vụ thuộc các hệ thống giải đấu phong, chuyên nghiệp được đặt ra.
Trong đó, với hệ thống giải đấu phong trào, nhiệm vụ được đặt ra là phát huy vai trò của Liên minh Câu lạc bộ thể thao điện tử toàn quốc (ECU), thúc đẩy môn Thể thao điện tử tại các trường Cao đẳng, Đại học dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa, bộ môn giảng dạy, gắn liền với hoạt động thiết thực của nhà trường, công nhận vai trò chính thống của các CLB thể thao điện tử sinh viên. Phát triển mạng lưới các câu lạc bộ TTĐT trường CĐ – ĐH học đến năm 2029 đạt khoảng trên 200 CLB hội viên; Quy hoạch, đào tạo, phát triển đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên được cấp chứng chỉ chuyên môn
Với hệ thống Giải đấu chuyên nghiệp, tiến hành thí điểm hình thành học viện đào tạo TTĐT quốc gia, tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ ở các lứa tuổi (15-18); Đa dạng hóa các phương thức đào tạo VĐV, khuyến khích các tổ chức kinh tế, tư nhân tham gia đào tạo và cung cấp VĐV cho các CLB, đội tuyển; đồng thời, triển khai các kế hoạch chuẩn bị lực lượng cho các đội tuyển tham dự thi đấu vòng loại các giải đấu quốc tế quan trọng. Cử các đội tuyển lứa tuổi trẻ (15 – 18 tuổi) đi đào tạo ở các quốc gia phát triển (Hàn Quốc, Trung Quốc).
“Mới đây nhất, Ủy ban Olympic quốc tế đã công bố chương trình thi đấu E-sports Games bắt đầu từ năm 2025. Như vậy, Thể thao điện tử đã chính thức trở thành một nghề chuyên nghiệp và là một trong những đích đến của thể thao thành tích cao. Điều này tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Chúng ta có thế mạnh, tiềm năng, nhiệm vụ của chúng ta là sàng lọc, tìm kiếm những nội dung phù hợp, đầu tư có trọng điểm để phát triển” – ông Đỗ Việt Hùng cho biết.
Bạch Dương
Nguồn: https://toquoc.vn/phat-trien-the-thao-dien-tu-giai-tri-bai-3-tao-su-thong-thoang-trong-hanh-lang-chinh-sach-phat-trien-the-thao-dien-tu-2024110111185815.htm