Trang chủ Tin tức Hiến kế, tìm giải pháp để thể thao Việt Nam phát triển...

Hiến kế, tìm giải pháp để thể thao Việt Nam phát triển bền vững

7
0

Ngày 12-11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục Thể thao tổ chức Hội nghị Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị nhằm xác định rõ hơn bước đi cụ thể để thực hiện Chiến lược góp phần giúp Thể thao Việt Nam phát triển bền vững

Toàn cảnh Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh Bùi Lượng

Dự hội nghị có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng. Cùng dự còn có đại diện các bộ, ban, ngành; các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao; các Sở Văn hóa Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước; các Hội thể thao quốc gia…

Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ký phê duyệt và ban hành theo Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15-10-2024 với mục tiêu chung là xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Chiến lược thực sự là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045.

Thứ trưởng Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bùi Lượng

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, nội dung tham luận của đơn vị chuẩn bị công phu, sâu sắc không chỉ phản ánh về nhận thức và quán triệt các nội dung trong Chiến lược mà còn gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, phục vụ cho các bước triển khai tiếp theo. Đặc biệt, nhiều ý kiến đã gợi mở để triển khai có hiệu quả nội dung Chiến lược phù hợp với tình hình thực tế, với từng địa phương, vùng miền, theo từng lĩnh vực. Các đại biểu cũng nhấn mạnh những vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ để phát triển kinh tế thể thao, thể thao trường học, thể thao chuyên nghiệp…

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực và toàn diện cho ngành thể thao nước nhà. Để hiện thực hóa các nội dung Chiến lược, biến khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực, tôi đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Chiến lược đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, công chức trong toàn ngành nhằm tạo thống nhất về nhận thức; hành động và hiệu quả trong thực hiện Chiến lược.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt (bên phải) thừa nhận thể thao Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Bùi Lượng

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đề nghị các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược. Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Chiến lược; vừa bảo đảm Chiến lược được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện.

Giao Cục Thể dục thể thao khẩn trương tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Kế hoạch của Bộ triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành; đồng thời đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển thể thao từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, nhất là kinh tế thể thao. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ công tác quản lý, điều hành, huấn luyện và các hoạt động thi đấu thể dục thể thao. Tăng cường ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao. Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I Nguyễn Hồng Minh cho rằng thể thao Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược. Ảnh: Bùi Lượng

Nghiên cứu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển thể dục thể thao theo đúng định hướng Quy hoạch mạng lưới cơ sở thể thao, Chiến lược đã được phê duyệt; Triển khai xây dựng các chương trình, đề án để tổ chức, thực hiện hiệu quả Chiến lược.

“Việc thực hiện Chiến lược này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy ý nghĩa. Thành công của chiến lược này không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, của mỗi người dân. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm cao và sự đồng lòng của cả nước, chúng ta sẽ biến những mục tiêu đề ra trong Chiến lược thành hiện thực, đưa thể thao Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu đóng góp các ý kiến về việc triển khai thực hiện Chiến lược cũng như các mục tiêu mà Chiến lược đề ra như phát triển kinh tế thể thao, nâng cao thành tíc của thể thao thành tích cao, phát triển thể thao cho mọi người…

Ngân Hà

Nguồn: https://hanoimoi.vn/hien-ke-tim-giai-phap-de-the-thao-viet-nam-phat-trien-ben-vung-684260.html

Bài trướcBộ Tài chính yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về Quỹ phát triển đất
Bài tiếp theoPhát triển Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây