Trang chủ Tin tức Đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới

Đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới

4
0

Thực hiện Kết luận 70 ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao (TDTT) trong giai đoạn mới, thời gian qua, Hà Nam đã tích cực triển khai nhiều mục tiêu, giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc thực hiện các chủ trương của Đảng về chính sách xã hội, y tế, giáo dục, trẻ em và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà tỉnh Hà Nam hướng đến là tập trung nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ của người dân. Xây dựng thói quen rèn luyện thân thể của mỗi cộng đồng, từng gia đình và mọi người dân thông qua hoạt động TDTT; từng bước nâng cao tỷ lệ người dân và gia đình tập luyện TDTT thường xuyên; nâng cao thành tích thể thao, phấn đấu đạt vị trí cao ở khu vực và toàn quốc. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách về TDTT; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT; tăng cường nguồn lực cho phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao… từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh cũng đã tăng cường hợp tác với các địa phương, trung tâm đào tạo, Trường Đại học TDTT để giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, sân bãi, thiết bị, dụng cụ tập luyện, công tác đào tạo vận động viên (VĐV), huấn luyện viên, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực đào tạo, tuyển chọn VĐV năng khiếu; tổ chức hoạt động thể thao gắn với phát triển du lịch – dịch vụ.

Hệ thống thiết chế thể thao tiếp tục được đầu tư củng cố; các cơ sở hoạt động, kinh doanh về lĩnh vực thể thao (bể bơi, phòng tập thể hình, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân quần vợt…) phục vụ tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí, thi đấu thể thao của người dân. Sự chung tay của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện xã hội hóa TDTT góp thêm nguồn lực quan trọng vào phát triển phong trào TDTT quần chúng. Các giải thể thao phong trào có quy mô, cơ cấu giải thưởng, chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng nhiều. Trung bình mỗi năm có hơn 400 giải thể thao quần chúng được tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Một trận đấu tại Giải bóng chuyền Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ảnh: Chu Bình

Ngoài duy trì hệ thống giải thể thao các cấp theo định kỳ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động thể thao nhân dịp lễ, Tết, hội thi, hội thao, giao lưu… Phong trào TDTT trong trường học, lực lượng vũ trang, thanh thiếu niên, công nhân, viên chức, phụ nữ, người cao tuổi được quan tâm phát triển, có nhiều đổi mới theo hướng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho người dân. Các tiêu chí rèn luyện TDTT được chú trọng trong chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó các chỉ số về TDTT gia tăng hằng năm. Đến năm 2023, tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt 32%, gia đình thể thao đạt 24% số hộ. Toàn tỉnh có gần 1.300 câu lạc bộ TDTT; 1.645 điểm, nhóm tập luyện TDTT hoạt động thường xuyên. Đây là dấu hiệu tích cực thực hiện thành công cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Các hình thức tập luyện TDTT (đi bộ, chơi bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh…) cùng nhiều trò chơi thể thao dân gian (đẩy gậy, kéo co, đá cầu…) được giữ gìn, bảo tồn trong lễ hội làng, xã, trở thành các giải thể thao quần chúng, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động thể thao nhân dịp đón xuân, vui Tết, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi trong nhân dân. Phòng văn hóa, thông tin các huyện, thị xã, thành phố cũng đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, giải thể thao với quy mô phù hợp, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Cùng với đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong định hướng phát triển của ngành TDTT Hà Nam. Toàn ngành đã tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy thể thao thành tích cao phát triển, quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, huấn luyện. Chỉ tiêu đào tạo mỗi năm khoảng 170 vận động viên năng khiếu tập trung với 7 môn: Bơi – Lặn, Vật – Jujitsu, Bóng đá nữ, Đua thuyền, Điền Kinh, Quần vợt, Taekwondo. Đây là những môn thể thao đào tạo tại tỉnh đã và đang có thành tích ổn định tại các giải trẻ, vô địch quốc gia.

Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về TDTT. Bên cạnh đó, là nỗ lực của toàn ngành, sự chung tay của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà tài trợ trong duy trì, thúc đẩy phong trào TDTT, nhất là thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh phát triển sôi động. Các cấp chính quyền chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT. Hệ thống thiết chế văn hóa, TDTT từ tỉnh đến cơ sở tương đối đồng bộ, ngày càng hoàn thiện. Hà Nam hiện có 2.173 công trình đang sử dụng cho hoạt động TDTT (trong đó: 118 nhà tập luyện, nhà thi đấu; 1 nhà thi đấu TDTT tỉnh phục vụ đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, quốc tế; 1 sân vận động tỉnh; 50 bể bơi; 2.055 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời). Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển.

Thời gian tới, để công tác TDTT của địa phương phát triển bền vững, Sở VH,TT&DL đã xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận 70 của Bộ Chính trị, trong đó xác định: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các cấp, ngành và hệ thống chính trị đối với công tác phát triển TDTT. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào TDTT quần chúng; xây dựng công trình thể thao công cộng ở khu dân cư. Quan tâm phát triển TDTT giải trí, TDTT quốc phòng, TDTT dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật…

Tăng cường nguồn lực gắn với rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở TDTT đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thúc đẩy hợp tác công – tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng như tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cung cấp các dịch vụ TDTT. Xây dựng thói quen rèn luyện thân thể của từng gia đình, người dân thông qua duy trì các hoạt động TDTT quần chúng, từng bước nâng cao tỷ lệ gia đình, người dân tập luyện TDTT thường xuyên; nâng cao thành tích, phấn đấu đạt vị trí cao trong khu vực và toàn quốc ở những môn TDTT có thế mạnh. Đổi mới phương thức hoạt động và đẩy mạnh phát triển TDTT chuyên nghiệp, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và quảng bá hình ảnh, vị thế, bản sắc văn hóa vùng đất, con người Hà Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Hoàng Oanh (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh)

Nguồn: https://baohanam.com.vn/the-thao/trong-tinh/day-manh-phat-trien-the-duc-the-thao-trong-giai-doan-moi-140360.html

Bài trướcHơn 600 vận động viên nhí tham gia giải chạy Gia Lai City Trail 2024
Bài tiếp theoCần giải pháp đột phá trong phát triển thể thao thành tích cao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây