Tập huấn ở Hàn Quốc và được rèn giữa bởi ban huấn luyện chuẩn Hàn, các cầu thủ Việt Nam có lẽ hiểu được mình sẽ đối diện với điều gì trong chuyến đi 10 ngày tại xứ kim chi.
ASEAN Cup 2024 là nơi đôi khi trận đấu sẽ được giải quyết bởi yếu tố thể lực. Ảnh: Bảo Ngọc.
HLV Kim Sang-sik đã đưa ra quyết định mà ngay cả những người tiền nhiệm giàu cá tính như Philippe Troussier hay Park Hang-seo khi còn tại vị cũng chưa chắc dám làm. Đó là loại bỏ cả Quế Ngọc Hải và Đỗ Hùng Dũng, 2 thủ quân gần nhất của đội tuyển Việt Nam, khỏi chuyến tập huấn Hàn Quốc. Đồng nghĩa gần như chắc chắn, Ngọc Hải và Hùng Dũng sẽ vắng mặt tại AFF Cup 2024.
Không có ngoại lệ
Ngọc Hải đã dự 5 kỳ AFF Cup liên tục từ năm 2014 đến ngay. Anh có bề dày kinh nghiệm quốc tế kéo dài hơn một thập kỷ, cùng vai trò đội trưởng với cái uy và tầm ảnh hưởng lớn. Hùng Dũng từng đoạt Quả bóng vàng Việt Nam năm 2019, có 6 năm khoác áo tuyển, từng chỉ định làm thủ quân bởi từ chuyên môn tới lối sống đều chuẩn mực.
Tuy nhiên, những điểm cộng của Hùng Dũng và Ngọc Hải không khiến HLV Kim Sang-sik bận tâm. Bởi cả hai có điểm trừ mà theo quan điểm của ông Kim là không thể bù đắp. Đó là thể lực.
Quế Ngọc Hải từng bị ban huấn luyện CLB Bình Dương gạch tên khỏi 2 trận liên tục vì chạy không đủ số km yêu cầu (theo thống kê từ thiết bị GPS). Sau chấn thương, Ngọc Hải không còn chạy nhiều. Trung vệ sinh năm 1993 thi đấu chủ yếu bằng kinh nghiệm, óc quan sát và kỹ năng phán đoán. Với HLV Kim Sang-sik, như vậy có thể đủ cho V-League, nhưng chắc chắn thiếu với đội tuyển Việt Nam.
Tương tự, Hùng Dũng dừng chân trước ngưỡng cửa AFF Cup 2024, bởi anh thi đấu với cường độ HLV Kim Sang-sik cho rằng chưa đủ yêu cầu. Hùng Dũng từng nổi tiếng bởi sự bền bỉ như “động cơ vĩnh cửu” tuyến giữa, nhưng với bước lùi phong độ, cầu thủ 31 tuổi đã bị gạch tên.
Việc gạch bỏ 2 ngôi sao lão luyện khỏi đội tuyển Việt Nam không thuần túy là quyết định chuyên môn, mà còn là thông điệp rõ ràng HLV Kim Sang-sik gửi đến phần còn lại. Nếu không đáp ứng nền tảng thể lực tối thiểu, đừng kỳ vọng xuất hiện ở đội tuyển Việt Nam.
Thời còn thi đấu, Kim Sang-sik không phải mẫu cầu thủ đặc biệt khéo léo, tài hoa, cũng không sở hữu kỹ năng dị biệt nào. Tuy nhiên, ông Kim có một thứ mà bóng đá Hàn Quốc luôn ưa chuộng, thậm chí đòi hỏi nhiều hơn bất cứ phẩm chất nào. Đó là tinh thần chiến đấu. Lối đá máu lửa ẩn trong tư duy điềm tĩnh, quyết tâm trong từng tích tắc, bản lĩnh và sự rắn rỏi đã nâng bước Kim Sang-sik trở thành huyền thoại của Jeonbuk Hyundai Motors.
“Người Hàn Quốc rất chuộng tinh thần chăm chỉ và sự lăn xả, tận hiến. Thời còn thi đấu, ông Park Hang-seo là mẫu tiền vệ ‘cằn cỗi’, lấy cần cù bù thông minh. Bởi vậy mà ông Park sau này khi huấn luyện rất thích những cầu thủ lì lợm, bền bỉ. Có lẽ ông Kim cũng thế”, một cựu thành viên đội tuyển Việt Nam đánh giá.
HLV Kim Sang-sik gây tranh cãi khi gạt bỏ Ngọc Hải, Hùng Dũng, Công Phượng (và có thể thêm nhiều “công thần” nữa sau chuyến tập huấn ở Hàn Quốc), nhưng đừng quên, mỗi chiến lược gia đều có thang đo riêng biệt để chấm cầu thủ.
Thang đo ấy nói rằng những gương mặt như Trương Tiến Anh, Doãn Ngọc Tân, Lê Phạm Thành Long, Nguyễn Thái Sơn, Châu Ngọc Quang, Đinh Thanh Bình, Bùi Vĩ Hào dù kém tiếng, nhưng vẫn xứng đáng lọt vào vòng tranh chấp cuối cùng cho tấm vé đến AFF Cup 2024. Bởi những cầu thủ này có sức chiến đấu, thể lực, nhiệt huyết và quan trọng nhất, là khát vọng cống hiến cho cơ hội đôi khi chỉ xuất hiện một lần trong đời.
Khát khao của Thanh Bình và nhiều cầu thủ kém danh tiếng đã chạm lòng HLV Kim. Ảnh: VFF.
Nhanh, mạnh hơn nữa
Đội tuyển Việt Nam đang ngấm dần triết lý huấn luyện của ông Kim Sang-sik. Trước tiên, muốn đá chiến thuật gì thì cũng phải… khỏe. Nếu nửa đội tuyển chạy dưới 10km/trận, đội bóng của ông Kim dù chơi phòng ngự phản công hay tấn công áp đặt cũng rất khó vận hành nhuần nhuyễn.
“Chẳng chiến thuật nào là lỗi thời, quan trọng là chiến thuật ấy có phù hợp với cầu thủ hay không”, HLV huyền thoại Hector Cuper từng chia sẻ.
HLV Kim Sang-sik muốn xây dựng lối đá với tính chất chủ động cao hơn: chủ động đẩy cao đội hình triển khai bóng, chủ động pressing, chủ động tăng tốc “bóp nghẹt” đối thủ. Muốn vậy, 11 cầu thủ trên sân của ông Kim phải là 11 chiến binh đúng nghĩa, phải đủ khỏe và bền bỉ để tranh chấp liên tục, chơi với cường độ ấn tượng đến những phút cuối cùng.
Khi các đối thủ ngày càng mở cửa với chính sách nhập tịch để tăng chất lượng cầu thủ và lối chơi, đội tuyển Việt Nam không thể hài lòng với vinh quang từ năm… 2018. Thế hệ cũ và cách chơi cũ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Giờ là lúc phải thay đổi triệt để, nếu không muốn bị ngọn sóng của thời đại cuốn trôi.
Đội bóng của HLV Kim Sang-sik đang bước vào những ngày rèn quân khắc nghiệt, với những bài tập thể lực và chiến thuật đan xen nhau dưới cái lạnh “cắt da” ở Hàn Quốc. Khi thể lực trở thành thang đo sống còn, đòi hỏi mọi cầu thủ đều phải lao vào cuộc chiến.
Nhưng, đây cũng là tiêu chí công bằng, đưa những ngôi sao tên tuổi hay những cầu thủ kém tiếng lên cùng một bàn cân so sánh. Trên bàn cân ấy, Quang Hải chưa chắc hay hơn Vĩ Hào, mà Hoàng Đức cũng chưa chắc đánh bật được Ngọc Quang.
Ai đủ nỗ lực sẽ được chọn. Đội tuyển Việt Nam cần lửa để tôi rèn đội quân thiện chiến bằng vàng ở AFF Cup 2024.
Trà Giang
Nguồn: https://znews.vn/cuoc-chien-the-luc-o-doi-tuyen-viet-nam-post1513855.html