487 huấn luyện viên và vận động viên đội tuyển Olympic quốc gia Ukraine thiệt mạng trong chiến tranh

    6
    0

    Thế vận hội Paris và Tokyo chỉ cách nhau hơn 4 năm, thế giới vừa hồi sinh sau đại dịch lập tức bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh Nga-Ukraine và Hamas-Israel…nhiều người Ukraine đã không còn có mặt trên vũ đài thi đấu.

    Volodymyr Androschuk, người từng được ca ngợi là “Niềm hy vọng lớn lao của điền kinh Ukraine” đã tử trận sau khi vào quân đội (Ảnh: Creaders).

    Những giấc mơ bị bỏ dở

    487 vận động viên và huấn luyện viên người Ukraine đã mất đi mạng sống quý giá trong cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài hơn 2 năm qua.

    Người ta không thể liệt kê hết tên và cuộc sống của từng người trong số 487 người xấu số. Nhưng đầu tiên hãy nói đến Volodymyr Androschuk, người từng được ca ngợi là “Niềm hy vọng lớn lao của điền kinh Ukraine”.

    Người thanh niên nông thôn đến từ làng Suslivts phía Tây Ukraine sinh ra đã gắn liền với khoai tây, lúa gạo và đất đai. Anh dấn thân vào con đường thể thao vì một giáo viên tiểu học đã phát hiện ra tốc độ bẩm sinh của anh.

    Androschuk bắt đầu tập luyện thể thao tại CLB điền kinh ở thị trấn Letichiv gần đó. Vào năm 2018 và 2019, anh đã giành chức vô địch 10 môn phối hợp Giải trẻ quốc gia Ukraine trong hai năm liên tiếp và đại diện cho Ukraine tham dự Giải vô địch điền kinh U18 và U20 châu Âu.

    Volodymyr Androschuk, nhà vô địch điền kinh 10 môn phối hợp.

    Androschuk đã để lại một đoạn video quay cảnh nhảy sào của mình tại Giải vô địch trẻ trong nhà quốc gia Ukraine như một bằng chứng cho tài năng thiên bẩm ngắn ngủi của anh. Khung cảnh của cuộc thi rất thân tình: một cung thể thao rộng rãi, những chiếc ghế nhựa rải rác, khi Androschuk nhảy thành công vượt qua xà ngang, những tiếng vỗ tay và hò reo vui sướng vang lên như sấm.

    Cảnh tượng này đã quá quen thuộc với bất kỳ phụ huynh nào có con tham gia thi đấu điền kinh. Tiếp theo, Androschuk được huấn luyện ném lao. Anh có thể không nghĩ rằng bàn tay ném lao ngược gió sẽ có lúc ném lựu đạn vào kẻ thù trên chiến trường trong tương lai.

    Androschuk từng mơ ước được đại diện cho Ukraine thi đấu tại Thế vận hội Paris – nếu có thể, ngày khai mạc anh sẽ ngồi trên thuyền trên sông Seine, chứng kiến màn màn pháo hoa tuyệt đẹp, lắng nghe những bản nhạc hoành tráng và những tràng pháo tay.

    Tuy nhiên, sau khi chiến tranh nổ ra, Androschuk đã tình nguyện nhập ngũ và vào Đại đội 6 thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 95 Ukraine. Vào tháng 1/2023, Androschuk tử trận trong một chiến dịch giành lại đất gần Bakhmut ở miền đông Ukraine khi mới 22 tuổi.

    Anastasia Ignatenko vận động viên thể dục dụng cụ tài năng từng đoạt nhiều huy chương trong nước và quốc tế.

    Ngoài ra còn có nữ vận động viên cử tạ 14 tuổi Alina Pereyhudova, được tập luyện chuẩn bị cho Giải vô địch châu Âu 2023, nhưng đã bị trúng đạn pháo và chết cùng mẹ ở Mariupol.

    Anastasia Ignatenko vận động viên thể dục dụng cụ vừa thuê một căn hộ ở Dnipro cùng chồng và con trai một tuổi, nhưng cả gia đình họ đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga…Họ đã không thể chờ đến ngày chiến tranh kết thúc để trở lại sàn thi đấu và tỏa sáng.

    Có thể có người đặt câu hỏi, những trụ cột của thể thao Ukraine này có cần thiết phải ra chiến trường và hy sinh không? Theo hãng tin AP, Ukraine có ý định cử nhiều vận động viên Olympic đi tập huấn ở nước ngoài với hy vọng giữ vững sức mạnh tại Thế vận hội mùa hè Paris 2024.

    Nhưng không phải ai cũng muốn rời xa quê hương và người thân, nhiều người quyết định ra mặt trận chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước. Giống như các chiến binh thực thụ, họ không thể chạy trốn khi sắp lâm trận, dù ở đấu trường hay chiến trường.

    Anastasia Ignatenko đã tử nạn cùng chồng và con.

    Võ sĩ người Ukraine Maxim Halinichev từ chối xa rời đồng đội và huấn luyện viên của mình để đến Tây Âu. Sau khi chiến tranh với Nga nổ ra, anh học bắn súng. Tháng 5/2022, Halinichev, 21 tuổi, gia nhập lực lượng tấn công đổ bộ đường không.

    Cuối năm đó, sau khi bị thương gần Bakhmut anh anh vẫn ở lại mặt trận và quay trở lại chiến hào khi vết thương ở chân còn chưa hoàn toàn lành lặn. Vào ngày 9/3/2023, Maxim Halinichev mất liên lạc với vợ. Sau đó được biết anh bị chết trong trận chiến ở Lugansk.

    Năm nay, Ukraine chỉ cử đoàn 140 vận động viên tới tham gia thi đấu. Đây là đội tuyển thủ quốc gia ít người nhất trong lịch sử nước này đến Thế vận hội Paris 2024 với kỳ vọng giành 20 huy chương các loại.

    Vận động viên Nga và Belarus phải thi đấu dưới danh nghĩa tuyển thủ cá nhân trung lập (AIN)

    Thể thao tách khỏi chính trị chỉ là lời nói dối

    Vận động viên tham gia thi đấu 10 môn phối hợp người Ukraine Arthur Felvner, cho biết mắt anh đã khóc khi tham dự đám tang của Androshuk ở Letichiv trong mưa tuyết.

    Arthur Felvner nói: “Tôi không biết tại sao người ta có thể để người Nga tham gia. Không có chỗ cho họ ở Thế vận hội. Tôi sẽ mang theo tất cả những ký ức về Androschuk và đến Thế vận hội thi đấu thay thế anh ấy”.

    Là một cường quốc Olympic truyền thống, Nga thường xuyên cử một đoàn vận động viên hùng hậu đến các kỳ Thế vận hội Olympic trước đây. Tuy nhiên, lần này do lệnh trừng phạt của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nên chỉ có 15 vận động viên Nga và 17 vận động viên Belarus được phép thi đấu với tư cách “Vận động viên cá nhân trung lập” (AIN).

    Những vận động viên này sẽ không được mặc trang phục với màu cờ Nga. Nếu họ giành được huy chương vàng, cờ AIN màu trắng xanh sẽ được kéo lên trên bục trao huy chương và nhạc không lời trung lập sẽ được phát thay vì quốc ca Nga; Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không được mời dự lễ khai mạc.

    Đây là lần thứ tư liên tiếp các vận động viên Nga phải thi đấu với hình thức thu hẹp. Ngay cả trước khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, Nga đã bị trừng phạt vì vụ bê bối doping được cho là do nhà nước bảo trợ. Lần gần đây nhất các vận động viên Nga thi đấu trong màu cờ quốc gia và quốc ca là tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016.

    Với những điều kiện như vậy để được thi đấu, nhiều vận động viên Nga đã từ chối lời mời tham gia, gọi các điều kiện của Ủy ban Olympic quốc tế là “đáng hổ thẹn” và “phi tinh thần thể thao”.

    Có người nói thể thao nên tránh xa chính trị. Nhưng trong thế giới ngày nay, Thế vận hội (Đại hội Olympic thế giới) chưa bao giờ chỉ là một sự kiện thể thao mà nó còn là sân khấu thể hiện sức mạnh quốc gia và lan tỏa các quan niệm giá trị.

    Từ việc Jesse Owens đập tan “thuyết ưu việt của người Aryan” của Đức Quốc xã tại Thế vận hội năm 1936 cho đến dấu tay thể hiện “sức mạnh da đen” của các vận động viên người Mỹ da đen Smith và Carlos năm 1968, Thế vận hội Olympic luôn giương cao ngọn đuốc vì tự do và nhân tính.

    Victor Azanenka tuyên bố không tham dự Thế vận hội Paris vì không chấp nhận các điều kiện của IOC.

    Vận động viên đấu kiếm Ukraine Vlada Kharkova nói với phóng viên Reuters rằng do cơ sở hạ tầng bị phá hoại, 15 cơ sở huấn luyện các vận động viên Olympic đã bị phá hủy và môi trường tập luyện của các vận động viên còn sống cũng rất khắc nghiệt: “Chúng tôi không có điện, không có nước, bóng tối, vô số thời gian sống trong giá lạnh hoặc nóng bức. Môi trường này làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn và chúng tôi chuẩn bị cho thế giới thấy rằng dù thế nào đi nữa, Ukraine không thể bị hủy hoại”.

    Theo Sina, Creaders

    Thu Thủy

    Nguồn: https://viettimes.vn/487-huan-luyen-vien-va-van-dong-vien-doi-tuyen-olympic-quoc-gia-ukraine-thiet-mang-trong-chien-tranh-post176813.html

    Bài trướcKhởi tố nguyên Giám đốc Công ty TNHH đồ dùng thể thao Trạm Tường về tội Trốn thuế
    Bài tiếp theoKhẩn trương cưỡng chế công trình sai phạm tại dự án Tòa nhà câu lạc bộ sân golf Đồi Cù

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây