Đội tuyển Việt Nam không chỉ yếu về thể lực, mà còn gặp vấn đề về cả con người và đấu pháp ở trận thua Thái Lan.
Trận đội tuyển Indonesia (áo sáng) hòa 1 – 1 trên sân Ả-rập Xê-út trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2026. Ảnh: ITN.
Đây đều là những vấn đề nan giải đặt ra cho huấn luyện viên Kim Sang Sik, trong khi thời gian từ nay đến ASEAN Cup 2024 không còn nhiều.
Áp lực bủa vây
Tối 11/9, đội tuyển Việt Nam đã thua Thái Lan 1 – 2 ở trận đấu cuối cùng của LPBank Cup 2024. Tuy thất bại này chỉ ở một giải giao hữu, song nó mang đến quá nhiều âu lo về vấn đề nhân sự, lối chơi và nguy cơ rơi “tự do” trên bảng xếp hạng FIFA.
Nếu cứ tiếp tục trượt dài, đội tuyển Việt Nam sẽ mất vị trí trong nhóm 1 khi Liên đoàn Bóng đá châu Á tiến hành bốc thăm chia bảng vòng loại thứ 3 ASIAN Cup 2027, dự kiến diễn ra vào tháng 12/2024.
Điều đó đồng nghĩa thầy trò huấn luyện viên Kim Sang Sik có thể sẽ nằm cùng bảng một trong những đối thủ rất mạnh như Thái Lan, Syria, Lebanon…, và chỉ có đội đầu bảng mới giành vé tham dự Vòng chung kết ASIAN Cup 2027.
Trở lại trận đấu với Thái Lan, mặc dù ông Kim rất muốn đánh bại đối thủ nhiều duyên nợ này để tạo đà tâm lý cho ASEAN Cup 2024 nhưng đội tuyển Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu. Đáng chú ý, chiến lược gia người Hàn Quốc gần như đã sử dụng hết thành phần cầu thủ tốt nhất thì đội bóng mang biệt danh “Voi chiến” còn có thể mạnh hơn tại giải đấu khu vực sắp tới.
Huấn luyện viên Masatada Ishii mang đến Hà Nội nhiều cầu thủ trẻ, nhằm mục đích thử nghiệm. Ít nhất, đội hình Thái Lan thắng Việt Nam mà không cần đến 4 cầu thủ ngôi sao, gồm: Hậu vệ cánh trái Theerathon Bunmathan, tiền vệ trung tâm Sarach Yooyen, tiền vệ tấn công Supachok Sarachat và tiền đạo Supachai Chaided.
Trong số 4 gương mặt trên, Sarach Yooyen và Supachok Sarachat đang thi đấu tại giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản J-League. Theerathon Bunmathan từng thi đấu tại J-League và hiện là hậu vệ cánh trái hay nhất của bóng đá Thái Lan. Supachok Sarachat sở hữu lối chơi kỹ thuật, tinh quái và có nhãn quan chiến thuật được ví là truyền nhân của “Messi Thái” Chanathip Songkrasin. Còn Supachai Chaided là sự thay thế xứng đáng vị trí của tiền đạo Teerasil Dangda.
Nếu đội tuyển Thái Lan có cả 4 cầu thủ này trong đội hình thì họ sẽ mạnh đến đâu? Khó lường đến mức nào? Nên nhớ, ông Masatada Ishii vẫn còn lựa chọn chất lượng từ nhóm cựu binh với 2 cái tên “đình đám” một thời là Chanathip Songkrasin và Teerasil Dangda.
Ngược lại, đội tuyển Việt Nam khó có sự bổ sung nào tốt hơn nữa từ nay đến ASEAN Cup 2024, ngoại trừ vị trí của trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh (đang chấn thương), tiền đạo Nguyễn Văn Toàn, hay chân sút trẻ Đình Bắc.
Như vậy, so với đội tuyển Thái Lan có nhiều nhân tố trẻ, mới, đội tuyển Việt Nam quá cũ kỹ, “già nua”. Nhân tố có thể gọi là mới trong đội hình xuất phát của Việt Nam là Văn Trường. Anh được xếp đá tiền vệ trung tâm bên cạnh đàn anh Hùng Dũng. Tuy nhiên, Văn Trường không đủ sức làm chủ khu trung tuyến, chuyền hỏng nhiều, trong khi đó, Hùng Dũng cũng gây thất vọng. Việc bộ đôi này không thể tạo thành hệ thống chắc chắn ở giữa sân khiến đội tuyển Việt Nam bế tắc trong tấn công.
Bàn mở tỷ số của Tiến Linh ở phút 21 đến từ tình huống cố định. Quế Ngọc Hải phất đường bóng dài chính xác để tiền đạo Bình Dương thoát xuống dứt điểm ghi bàn.
Ở những tình huống khác, hàng thủ Thái Lan đều hóa giải các đợt tấn công của Việt Nam khá dễ dàng, hay đúng hơn chúng ta chưa có thứ vũ khí tấn công nào thực sự sắc bén để tạo ra cơ hội ghi bàn.
Không những vậy, hệ thống phòng ngự của đội tuyển Việt Nam cũng để lại quá nhiều vấn đề. Dù sở hữu những trung vệ dày dạn kinh nghiệm và trong khung thành là thủ môn Nguyễn Filip, nhưng ở bàn thua đầu tiên của đội tuyển Việt Nam, khả năng phán đoán và phá bóng của các cầu thủ phòng ngự không tốt.
Điểm yếu phòng ngự bóng bổng bộc lộ ở bàn thua thứ hai, khi Thái Lan thực hiện tình huống đá phạt cố định quá mẫu mực.
Tiến Linh ghi bàn vào lưới đội tuyển Thái Lan tại Mỹ Đình. Ảnh: ITN.
Bên cạnh sự thua kém so với Thái Lan, đội tuyển Việt Nam sẽ phải đối mặt với một Indonesia mạnh hơn rất nhiều so với những lần đụng độ gần đây.
Đội bóng xứ Vạn đảo với dàn “ngoại binh” nhập tịch đã gây ấn tượng mạnh tại vòng loại thứ 3 World Cup 2026, hòa hai đối thủ thuộc nhóm số 1 châu lục là Ả-rập Xê-út và Australia. Trong đó, đội tuyển Ả-rập Xê-út đánh bại cả Argentina của Lionel Messi tại World Cup 2022.
Cũng tại giải đấu lớn nhất hành tinh tại Qatar này, đội tuyển Australia đã vượt qua vòng bảng. Trong chuyến làm khách đến sân Ả-rập Xê-út, Indonesia thậm chí còn mở tỷ số trước nhờ bàn thắng của Sandy Walsh, hậu vệ nhập tịch đang thi đấu tại Bỉ.
Đội hình trong tay huấn luyện viên Shin Tae-yong liên tục được bổ sung thêm các cầu thủ nhập tịch đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể về mọi mặt. Đội tuyển Indonesia không chỉ nổi bật về thể hình thể lực, kỹ chiến thuật, mà còn cả tư duy chơi bóng. Điều đó giúp họ mang đến rất nhiều khó khăn cho các đội thủ được đánh giá cao hơn.
Mới đây, truyền thông xứ Vạn đảo loan tin, hai cầu thủ Mees Hilgers và Eliano Reijnders đang tiến rất gần tới việc khoác áo đội tuyển Indonesia. Mees Hilgers thi đấu ở vị trí trung vệ cho câu lạc bộ Twente, đội bóng tại giải vô địch quốc gia Hà Lan. Sinh năm 2001, Hilgers đang được định giá 7 triệu euro. Eliano Reijnders sinh năm 2000 và chơi ở vị trí hậu vệ cánh phải trong màu áo PEC Zwolle, cũng ở giải vô địch quốc gia Hà Lan.
Sau khi giành được điểm trước cả Ả-rập Xê-út và Australia, đội tuyển Indonesia rất tự tin sẽ giành được kết quả tốt trong những trận sắp tới trong tháng 10/2024, gặp Trung Quốc và Bahrain, đồng thời gửi đi thông điệp thách đấu với những đối thủ tại ASEAN Cup 2024.
Theo bốc thăm, Indonesia nằm cùng bảng đội tuyển Việt Nam. Cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Indonesia sắp tới không chỉ là dịp giải quyết “ân oán” giữa 2 đội, mà còn quyết định tới ngôi đầu bảng.
Theo tính toán, đội nào nhất bảng gần như sẽ tạm tránh gặp Thái Lan ở bán kết. Và đến lúc này, có lẽ, đội tuyển Việt Nam đối mặt với áp lực nặng nề nhất. Thầy trò huấn luyện viên Kim Sang Sik lo tính phương án để vượt qua vòng bảng, trong đó có trận gặp Indonesia hơn là nghĩ đến bán kết.
Các cầu thủ Thái Lan ăn mừng bàn thắng trong trận giao hữu tại LPBank Cup 2024. Ảnh: ITN.
Trách nhiệm của ông Kim
Có khá nhiều nguyên nhân lý giải cho những kết quả thi đấu thất vọng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan. Một phần, huấn luyện viên Kim Sang Sik có lý khi cho rằng các tuyển thủ Việt Nam chưa đạt thể trạng tốt nhất để chơi đỉnh cao do thời điểm đó V-League 2024 – 2025 chưa khởi tranh.
Người hâm mộ có thể thông cảm với nhà cầm quân người Hàn Quốc bởi ông mới chỉ trải qua 4 tháng nắm quyền với 2 đợt tập trung. Nhưng cách thất bại trước Thái Lan vẫn rất khó “tiêu hóa” và để lại quá nhiều dư âm tiêu cực. Bởi bỏ qua vấn đề thể lực, thậm chí cả yếu tố con người, thì đội tuyển Việt Nam có vẻ đang rơi vào cuộc khủng hoảng về lối chơi và ông Kim chưa để lại dấu ấn chiến thuật nào rõ ràng.
Có cảm giác rằng, các tuyển thủ đang chơi một cách tự do, tùy thuộc vào thế trận và bị cuốn theo cách chơi của đối thủ. Đội tuyển Việt Nam dưới triều đại ông Kim Sang Sik không hẳn chơi phòng ngự – phản công như thời huấn luyện viên Park Hang Seo, cũng chẳng nỗ lực kiểm soát, áp đặt như thời Troussier.
Ra sân với đấu pháp không rõ ràng, không khó hiểu khi đội tuyển Việt Nam gặp nhiều vấn đề ở cả 2 mặt trận tấn công và phòng ngự. Sự bị động ấy khiến những chiến binh rồng vàng gặp khó khăn trước đội bóng được đánh giá tinh quái hơn như Thái Lan.
Về sơ đồ chiến thuật, dưới thời ông Park, đội tuyển Việt Nam gây ấn tượng với sơ đồ 3-4-3 và 2 biến thể khác là 3-5-2 và 3-4-2-1. Công thức này hoạt động tốt vì đội tuyển Việt Nam sở hữu những hậu vệ biên giàu thể lực và tốc độ như Văn Hậu, Trọng Hoàng hay Văn Thanh.
Chính hệ thống chiến thuật làm nên thương hiệu ông Park đã trở thành nền tảng cho những thành công rực rỡ của đội tuyển Việt Nam, như lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, tứ kết ASIAN Cup 2019.
Nhưng hiện tại thì sao? Văn Hậu không còn là chính mình vì chấn thương, Trọng Hoàng đã từ giã sự nghiệp quốc tế, Văn Thanh cũng xuống phong độ. Những hậu vệ biên khác như Xuân Mạnh, Tuấn Tài hay Tấn Tài đều không đáp ứng được các tiêu chí để trở thành 1 cầu thủ chạy cánh đúng nghĩa trong sơ đồ 3 trung vệ.
Vấn đề còn ở chỗ, nửa sau nhiệm kì cuối của huấn luyện viên Park Hang Seo, “công thức chiến thắng” của đội tuyển Việt Nam không còn hiệu quả. Bước sang triều đại của ông Troussier, đội tuyển Việt Nam vẫn chơi với sơ đồ ấy và kết quả tệ hại ra sao thì ai cũng thấy!
Và hiện tại, huấn luyện viên Kim Sang Sik vẫn ưu tiên sử dụng sơ đồ 3-4-3. Chiến lược gia người Hàn Quốc sinh năm 1976 có vẻ không muốn mạo hiểm bởi công thức này đã quá quen thuộc với lứa cầu thủ thi đấu từ thời ông Park. Cứ nhìn cách ông Kim chọn người lên tuyển, có cảm tưởng đây là đội hình của ông Park chứ không phải ông Kim.
Đây là dấu hiệu của sự khủng hoảng đấu pháp! Nhiều người cho rằng huấn luyện viên Kim Sang Sik cũng sẽ thất bại nếu không tìm ra giải pháp mới cho đội tuyển Việt Nam. Nếu cứ ôm khư khư công thức vốn không còn hiệu quả vì thiếu lựa chọn chất lượng, rất khó để đội tuyển Việt Nam tạo nên sự khác biệt.
Qua 4 trận đấu dưới thời ông Kim, đội tuyển Việt Nam đã phải vào lưới nhặt bóng tới 10 lần. Nên nhớ, trước đó hàng thủ của đội tuyển Việt Nam cũng gặp vấn đề lớn dưới thời huấn luyện viên Troussier. Nó dẫn tới chuỗi kết quả đáng buồn nhất của đội tuyển Việt Nam sau nhiều năm gây tiếng vang.
Trong tấn công, đội tuyển Việt Nam cũng rất thiếu ý tưởng bởi nhiều tên tuổi một thời dưới thời ông Park như Quang Hải, Văn Đức, Tiến Linh hay Hoàng Đức đã xuống phong độ. Họ không còn thường xuyên tạo ra những tình huống làm chao đảo hàng thủ đối phương như trước.
Tuấn Hải và Vĩ Hào với sự hoạt động tích cực đã mang tới làn gió mới ở hiệp 2 nhưng từng ấy là quá ít. Bàn thắng duy nhất mà đội tuyển Việt Nam ghi được cũng là đặc sản dưới thời ông Park. Vậy nên, ông Kim cần phải nhận rõ vị thế hiện tại của đội tuyển Việt Nam để tìm ra phương án tối ưu nhất về chiến thuật.
Sẽ là không thực tế nếu nói rằng đội tuyển Việt Nam hiện tại có thể sánh ngang Thái Lan hay Indonesia.
Từ nay tới ASEAN Cup 2024, đội tuyển Việt Nam vẫn còn 1 đợt tập trung nữa vào tháng 10. Người hâm mộ hy vọng, huấn luyện viên Kim Sang Sik nhanh chóng rút ra những bài học để giải quyết bài toán khủng hoảng đấu pháp cho “những chiến binh sao vàng”.
Với trận thua 1 – 2 tại LPBank Cup 2024, đội tuyển Việt Nam có thống kê buồn khi chưa từng thắng Thái Lan trên sân Mỹ Đình. Trong tổng cộng 29 lần đối đầu từ năm 1995 đến nay, đội tuyển Việt Nam thua 17, hòa 8 và mới chỉ giành 3 chiến thắng tại Tiger Cup 1998, AFF Cup 2008 và giải giao hữu King’s Cup 2019. Theo kế hoạch, thầy trò huấn luyện viên Kim Sang Sik sẽ tham dự loạt trận giao hữu dịp FIFA Days tháng 10/2024, gặp Ấn Độ và Lebanon tại sân Thiên Trường (Nam Định).
Khánh Vy
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/doi-tuyen-viet-nam-khung-hoang-ve-dau-phap-post701956.html