Việc khôi phục điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên cùng trục Thần Đạo trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long mang ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục những giá trị cốt lõi, đồng thời khẳng định những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới này.
Dưới đây là một số ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu xung quanh vấn đề này.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long không chỉ là di sản của dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản của thế giới. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Chuyển giao di sản cho thế hệ tương lai
Việc UNESCO chấp thuận các đề xuất của Việt Nam về bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một dấu mốc vô cùng quan trọng, ý nghĩa trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của không chỉ Hà Nội, mà còn chung cho cả đất nước. Quyết định này không chỉ là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực bảo tồn của Hà Nội, mà còn là một sự khích lệ mạnh mẽ cho những ai đang dấn thân vào việc gìn giữ giá trị lịch sử và văn hóa của di sản.
Tháo dỡ các công trình không phù hợp, những công trình không góp phần làm tôn vinh giá trị nổi bật của di sản, là một quyết định dũng cảm và cần thiết. Đây là hành động bảo vệ những yếu tố gốc và phần hồn của Hoàng thành Thăng Long, để di sản không bị xâm phạm và không làm mờ đi những giá trị lịch sử quý báu.
Khôi phục điện Kính Thiên và trục Thần Đạo (trục trung tâm) không chỉ là phục dựng các công trình kiến trúc, mà còn làm hồi sinh hồn cốt và bản sắc của Hoàng thành Thăng Long. Ý nghĩa của việc này có thể được nhìn nhận qua nhiều khía cạnh quan trọng khác nhau. Trong đó, khôi phục điện Kính Thiên là một hành động mang tính biểu tượng sâu sắc. Đây không chỉ là việc tái dựng một công trình kiến trúc, mà còn là khôi phục một phần của ký ức lịch sử, nơi từng diễn ra những sự kiện trọng đại và có những nét đặc trưng văn hóa của triều đại xưa. Điện Kính Thiên đại diện cho quyền uy của các triều đại, là một biểu tượng quan trọng trong quá trình phát triển của nền văn hóa và lịch sử quốc gia. Còn trục Thần Đạo giữ một vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc và ý nghĩa văn hóa của di sản. Việc bảo tồn và khôi phục trục Thần Đạo giúp duy trì sự liên kết giữa các yếu tố lịch sử, tôn vinh truyền thống văn hóa và kiến trúc cổ xưa, tạo ra một không gian lịch sử liền mạch, giúp người dân và du khách có thể cảm nhận sâu sắc hơn về sự vĩ đại và vẻ đẹp của Hoàng thành Thăng Long trong quá khứ.
Đối với các thế hệ sau, việc khôi phục này mang ý nghĩa rất lớn. Nó không chỉ cung cấp một nguồn tài liệu sống động để nghiên cứu và học hỏi về lịch sử và văn hóa của tổ tiên, mà còn giữ gìn những giá trị tinh thần và văn hóa quý báu. Khi thế hệ trẻ nhìn thấy, trải nghiệm những công trình này, họ không chỉ thấy sự tôn vinh lịch sử mà còn cảm nhận được trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Điều này giúp tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời truyền cảm hứng và lòng tự hào về di sản văn hóa của tổ tiên cho các thế hệ mai sau. Đấy là cách chúng ta chuyển giao di sản cho thế hệ tương lai.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:
Trả lại giá trị nguyên bản cho Hoàng thành Thăng Long
Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã rất năng động, quyết tâm thực hiện đúng các quy định, cam kết với UNESCO cũng như các quy định của Luật Di sản và trách nhiệm với Thủ đô. Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động thể hiện tầm nhìn đối với sự phát triển của văn hóa Thủ đô và sự phát triển chung của Hà Nội. Việc tiếp tục thực hiện cam kết với UNESCO được Hà Nội triển khai hằng năm thông qua công tác khai quật khảo cổ học ở khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long một cách bài bản, hiệu quả. Điển hình là những năm qua, Trung tâm đã tiến hành khai quật khu vực xung quanh điện Kính Thiên giúp chúng ta nhận thức đầy đủ, cụ thể, sâu sắc và chuẩn xác hơn về khu di sản này.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng ta phải giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước thấy được giá trị cốt lõi của khu di sản này là khu vực điện Kính Thiên chứ không phải những kiến trúc trại lính hồi thế kỷ XIX – XX vốn không có nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc cũng như lịch sử. Nếu không khôi phục lại điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên thì thành Thăng Long không còn là thành Thăng Long. Vì thế, cần cho công chúng thấy được giá trị đích thực của Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê. Muốn vậy, phải hạ giải một số công trình không có nhiều giá trị về lịch sử và kiến trúc, và khôi phục lại không gian điện Kính Thiên nhằm giới thiệu với du khách quốc tế về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Những công trình kiến trúc không có giá trị biểu tượng có thể được bảo tồn dưới hình thức số hóa, sau đó hạ giải.
Với quá trình nghiên cứu công phu, bài bản, đến thời điểm này đã có cơ sở để khôi phục điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên. Việc khôi phục này cần có sự tư vấn, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, hội đồng. Sau khi đã thống nhất được về hình thái cấu trúc, nguyên vật liệu xây dựng… mới làm mô hình. Ban đầu có thể dựng bằng công nghệ 3D, 4D rồi đến mô hình nhỏ và mô hình 1:1 cho người dân xem và góp ý. Cuối cùng mới triển khai làm thật. Công việc này phải mất hàng chục năm chứ không thể chỉ trong vài năm.
Tôi rất mừng vì những vướng mắc căn bản đã được UNESCO thông qua. Nếu không tháo gỡ được các “nút thắt” trong câu chuyện hạ giải các công trình ít có giá trị thì cả trăm năm nữa cũng không thể thực hiện được ước mơ trả lại giá trị nguyên bản cho Hoàng thành Thăng Long. Trở lực lớn nhất đã được giải quyết, con đường đi đã thông thoáng, tuy còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta sẽ tới đích.
TS Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long:
Bảo tồn theo phương pháp tối ưu
Hoàng thành Thăng Long là di sản đặc biệt xét về nhiều mặt, bởi thế cần nhận diện cụ thể từng công trình trong khu di sản để có cách tiếp cận khoa học, linh hoạt trên cơ sở thực tế hiện tồn, từ đó công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản mới có hiệu quả.
Các công trình kiến trúc được xây dựng trong Hoàng thành Thăng Long đều có niên đại cách đây ít nhất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm. Tất cả đều có giá trị và xứng đáng được bảo vệ. Tuy nhiên, cần làm rõ giá trị của từng công trình trong tương quan so sánh niên đại và giá trị lịch sử, văn hóa để lựa chọn giải bài toán bảo tồn cái gì và chấp nhận nhượng bộ, hy sinh điều gì trong đó.
Trong công tác bảo tồn di sản, người ta luôn mong muốn bảo tồn đầy đủ nhất, nguyên vẹn nhất giá trị vật thể và phi vật thể của di sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khó có di sản nào có đủ điều kiện để thực hiện việc bảo tồn như vậy. Đối với Hoàng thành Thăng Long, việc đó càng khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể. Những khó khăn ấy đã làm cho chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long không đạt được tiến độ và hiệu quả như kỳ vọng. Trước thực tế đó, cần chấp nhận bảo tồn theo phương pháp tối ưu, nghĩa là tập trung bảo tồn giá trị cốt lõi, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và có khả năng phát huy tốt hơn.
Bảo Khánh thực hiện
Nguồn: https://hanoimoi.vn/hoang-thanh-thang-long-bieu-tuong-cua-van-hoa-thu-do-khoi-phuc-dien-kinh-thien-hoi-sinh-gia-tri-cot-loi-679044.html