Là nước đi sau về cầu thủ bóng đá nhập tịch trong khu vực Đông Nam Á, nhưng Indonesia lại về trước
Đội tuyển Indonesia đã thắng đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) tại Asian Cup 2023 diễn ra vào tháng 1-2024 để vào vòng 1/8 (ĐTVN bị loại). Indonesia đã thắng ĐTVN khi có đến 7 cầu thủ nhập tịch cùng các cầu thủ trẻ trưởng thành đã được trui rèn từ năm 2020.
“Phải có dòng máu Indonesia”
Đến tháng 3-2024, khi gặp ĐTVN, Indonesia có thêm cầu thủ nhập tịch thứ 8, đó là trung vệ Jay Idzes sinh tại Hà Lan, 23 tuổi, cao 1m90, đang thi đấu cho CLB Venezia ở Giải Hạng nhì Ý (Serie B).
Sau đó, LĐBĐ Indonesia (PSSI) vẫn tiếp tục nhập tịch thêm 4 cầu thủ là thủ môn Maarten Paes (26 tuổi; 1m91; FC Dallas – Mỹ; được định giá 1,5 triệu euro); hậu vệ Nathan Tjoe-A-On (22 tuổi; 1m82; Swansea city – Championschip Anh; 350.000 euro); tiền vệ Thom Haye (29 tuổi; 1m87; SC Heerenveen, Hà Lan; 3 triệu euro) và tiền đạo Ragnar Oratmangoen (26 tuổi; 1m81; Fortuna Sittard – Hà Lan; 450.000 euro).
Cả 4 tân binh nhập tịch này đều có mặt trong đội hình xuất phát của Indonesia trong trận hòa bùng nổ 1-1 trước đội chủ nhà Ả Rập Saudi ở vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á rạng sáng 6-9, trong đó nổi bật nhất là thủ môn Paes với nhiều pha cứu nguy trong đó có một lần cản phá thành công cú sút phạt 11m, và tiền đạo Oratmangoen là người mở tỉ số.
Với đội hình chính thức gồm 9 cầu thủ nhập tịch và chỉ có 2 cầu thủ nội địa, đã đủ lý giải vì sao sức mạnh của đội tuyển Indonesia đã ngày càng gia tăng. Ngay cả 2 cầu thủ trong nước là trung vệ Rizky Ridho (22 tuổi; 1m83; Persija Jakarta; 475.000 euro) và tiền vệ Witan Sulaeman (22 tuổi; 1m70; Persija Jakarta; 250.000 euro) cũng là 2 cầu thủ trẻ trưởng thành từ chiến lược tập trung đào tạo nguồn lực khi Indonesia được trao quyền đăng cai World Cup U20 năm 2023 (sau đó bị tước quyền đăng cai với lý do chính trị).
Cả Ridho và Sulaeman không chỉ cùng tuổi, cùng thi đấu cho CLB Persija Jakarta mà còn cùng lần lượt khoác các đội tuyển U19, U22, U23 và cùng thi đấu trận đầu tiên cho đội tuyển quốc gia Indonesia vào ngày 29-5-2012 mà cho đến nay Ridho đã thi đấu 37 trận ghi được 7 bàn thắng và Sulaeman 9 bàn thắng sau 42 trận. Có nghĩa là để được khoác áo đội tuyển quốc gia Indonesia, các cầu bản địa phải thật xuất sắc và cạnh tranh sòng phẳng với các cầu thủ nhập tịch.
Để thực hiện được cuộc cách mạng nhập tịch thành công, người đầu tiên phải nhắc đến là Chủ tịch PSSI, ông Erich Thohir. Hơn 10 năm qua, ông Thohir là người nổi tiếng trong giới đầu tư thể thao toàn cầu khi ông từng mua 15% cổ phần của đội bóng rổ Philadelphia 76ers với giá 21 triệu USD; mua phần lớn cổ phần CLB DC United với giá 50 triệu USD; thậm chí còn mua cả CLB Inter Milan (Ý) và điều hành trong năm 5 năm trước khi thoái vốn năm 2018. Ngoài ra, ông Thohir còn sở hữu CLB bóng chày Satria Muda.
Ông Thohir không có đối thủ khi tranh cử và trở thành Chủ tịch PSSI từ tháng 5-2023, và ông đã có công lớn khi giúp Indonesia trở thành nước chủ nhà World Cup U17 vào tháng 12-2023. Cũng chính danh tiếng, uy tín của mình, ông Thohir đã thuyết phục các cầu thủ nước ngoài có dòng máu Indonesia từ cha hoặc mẹ và xa nhất là ông hoặc bà trở về thi đấu cho đội tuyển Indonesia.
Ngoài yếu tố bắt buộc phải có dòng máu Indonesia, cách chọn cầu thủ nhập tịch của ông Thohir và cũng là chiến lược của đất nước Indonesia cũng rất rõ ràng, đó là các cầu thủ này vừa có chuyên môn, vừa trẻ trung, vừa có ưu thế thể hình và đang thi đấu ở nước ngoài. Indonesia có đội ngũ đi săn cầu thủ gốc Indonesia trên toàn cầu, và sau đó HLV Shin Tae-yong cùng đội ngũ chuyên môn trong PSSI sẽ thẩm định và quyết định chọn những cầu thủ thật sự chất lượng. Khi cầu thủ đã đạt yêu cầu chuyên môn, PSSI cùng các cơ quan chức năng rất nhanh chóng hoàn tất thủ tục nhập tịch.
Mới nhất, PSSI vừa công bố, trung vệ Mees Hilghers (23 tuổi; 1m85; Twente Enschede FC – Hà Lan; 7 triệu euro) sẽ kịp có mặt từ lượt trận thứ 3 bảng C vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á vào tháng 10 tới. Như vậy Hilgers sẽ là cầu thủ gốc Âu thứ 12 trong đội tuyển Indonesia để tiến gần hơn nữa giấc mơ dự World Cup 2026.
Thủ môn Filip Nguyễn (thứ 2 từ phải) trong màu áo ĐTVN. Ảnh: THẠO HOÀNG
Bóng đá Việt Nam có nên học?
Trước đây, đội tuyển Việt Nam cũng có cầu thủ nhập tịch thi đấu như thủ môn Santos, tiền đạo Kesley cùng là người Brazil khi cả hai thi đấu nhiều năm ở V-League. Các cầu thủ nhập tịch dạng này sau đó không còn được thi đấu cho đội tuyển Việt Nam cho đến khi 2 thủ môn Đặng Văn Lâm và Filip Nguyễn, một người sinh ở Nga và một người sinh ở Cộng Hòa Czech nhưng có dòng máu Việt Nam. Cả Văn Lâm và Filip Nguyễn giờ đây đều là 2 thủ môn hàng đầu của Việt Nam, cùng thi đấu ở V-League và cùng thi đấu cho đội tuyển Việt Nam.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý chính sách nhập tịch, nhưng để đại diện màu cờ sắc áo đội tuyển quốc gia Việt Nam, thì cầu thủ nhập tịch dứt khoát phải có dòng máu Việt Nam. Với những cầu thủ nhập tịch do thi đấu nhiều năm ở V-League chỉ nên tính là cầu thủ Việt Nam khi thi đấu ở V-League. Như thế sẽ rất tốt trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn V-League, đồng thời giúp các cầu thủ Việt Nam có cơ hội rèn luyện, trưởng thành hơn khi phải luôn cạnh tranh để có được suất chính thức trước các cầu thủ nhập tịch chất lượng.
Như đã nói ở trên, xin được nhắc lại ở đội tuyển Indonesia, cầu thủ nhập tịch của họ bắt buộc phải mang dòng máu Indonesia, vừa có chuyên môn giỏi lại vừa thi đấu ở nước ngoài. Cầu thủ nội địa muốn được thi đấu đội tuyển quốc gia phải thật giỏi, và cuộc cạnh tranh sòng phẳng – giữa nội địa với nhập tịch. Có lẽ chúng ta cũng nên tham khảo cách làm của bóng đá Indonesia, chứ không nên vì thành tích trước mắt mà cho các cầu thủ nhập tịch không có liên quan gì đến gốc gác người Việt Nam thi đấu cho ĐTVN.
Quốc gia đầu tiên áp dụng chính sách nhập tịch cầu thủ trong khu vực là Singapore. Sau đó đến Việt Nam rồi Philippines. Nhưng cả ba quốc gia đều không thành công với chủ trương này.
HOÀNG TÚ
Nguồn: https://nld.com.vn/ban-chuyen-cau-thu-nhap-tich-196240911203501685.htm