Bảo đảm chế độ dinh dưỡng là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện ở đội tuyển các bộ môn, phát hiện, đào tạo các vận động viên (VĐV) năng khiếu, tài năng, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững của thể thao tỉnh nhà.
VĐV đội tuyển xe đạp Thanh Hóa tham gia tranh tài tại Giải vô địch xe đạp đường trường trẻ quốc gia năm 2024 tại tỉnh Vĩnh Long.
Đội tuyển xe đạp Thanh Hóa những năm gần đây đã khẳng định được sự tiến bộ mạnh mẽ về chuyên môn, thành tích tại các giải đấu quốc gia. Điển hình nhất là thành tích giành 4 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ tại giải xe đạp đường trường trẻ quốc gia năm 2024 (vừa kết thúc ngày 11/8), qua đó tạo lập cột mốc lịch sử cho xe đạp xứ Thanh. Để có được nhiều VĐV tài năng như Nguyễn Văn Lãm, Trần Thị Mai, Lê Thị Huyền, Phạm Minh Đạt, Phạm Thị My… công tác bảo đảm dinh dưỡng cho VĐV được đội tuyển đặt lên hàng đầu.
Theo Ban Huấn luyện đội tuyển xe đạp Thanh Hóa, dù là ở nội dung đường trường hay địa hình các VĐV xe đạp đều đòi hỏi phải có sức bền và sự dẻo dai mới có thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Hơn nữa, đây là môn thể thao đặc thù khi các VĐV phải tham gia các giải đấu cấp quốc gia với những cự ly dài ở nội dung đường trường và các cự ly khó, phải “trèo đèo, lội suối” ở nội dung địa hình. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho VĐV theo quy định, VĐV trong quá trình tập luyện và tham gia thi đấu các giải còn được bổ sung thêm thực phẩm chức năng nhằm bảo đảm thể trạng, sức khỏe tốt nhất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bộ môn được xem là khắc nghiệt này. Theo tìm hiểu, 1 VĐV tham gia tập luyện hoặc thi đấu cự ly 150km nội dung đường trường cần được bổ sung thực phẩm chức năng với chi phí từ 150.000 đến 200.000 đồng. Trước tình hình đó, căn cứ tình hình, thời điểm thực tế, đội tuyển bổ sung thực phẩm chức năng cho các VĐV, do đó chi phí khá tốn kém. Trong khi đó, hiện nay đội tuyển xe đạp chưa có nhà tài trợ khi tham gia các giải đấu và buộc phải có sự linh hoạt để bảo đảm và tăng cường chế độ dinh dưỡng cho VĐV ở cả ba tuyến.
Cử tạ cũng là bộ môn đòi hỏi VĐV phải có nền tảng thể lực cao hơn so với nhiều bộ môn thể thao khác mới đáp ứng được yêu cầu chuyên môn trong công tác huấn luyện, tập luyện. Bởi vậy, việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho VĐV là yếu tố có tính chất quyết định tới sự thành, bại của bộ môn này. Việc áp dụng mức dinh dưỡng với các lực sĩ cử tạ luôn chặt chẽ, có tính khoa học để các VĐV vừa duy trì sức bền ở hạng cân của mình, vừa thực hiện tốt các yêu cầu chuyên môn về kỹ, chiến thuật. Việc lựa chọn thực phẩm chức năng cho các VĐV cũng phải có sự tính toán, chọn lựa kỹ càng nhằm hồi phục thể lực, sức khỏe cho từng VĐV. Với các VĐV trọng điểm có khả năng giành thành tích cao tại giải vô địch quốc gia, giải trẻ toàn quốc, đội tuyển có chế độ quan tâm đặc biệt về chế độ dinh dưỡng để các em có sự chuẩn bị tốt nhất về thể lực cho các cuộc tranh tài.
Từ tháng 1/2022 đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, VĐV thể thao ở cả ba tuyến, trong đó tuyến đội tuyển của tỉnh được hưởng mức 240.000 đồng/ngày, đội tuyển trẻ là 200.000 đồng/ngày và tuyến năng khiếu là 160.000 đồng/ngày. Việc áp dụng mức dinh dưỡng đã góp phần cải thiện rõ rệt chế độ dinh dưỡng cho hơn 700 VĐV thuộc 31 đội tuyển các bộ môn thể thao thành tích cao của tỉnh Thanh Hóa.
Để thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm dinh dưỡng cho các VĐV ở tất cả các bộ môn, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã thành lập tổ kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm đầu vào, việc chế biến thực phẩm và chất lượng bữa ăn tại nhà ăn của đơn vị. Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế và báo cáo, đề xuất từ đội tuyển các bộ môn, trung tâm có cơ chế đặc thù về dinh dưỡng đối với các VĐV xuất sắc, trọng điểm có khả năng giành huy chương tại giải vô địch quốc gia và chuẩn bị tham gia giải quốc tế.
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đàm Văn Long, cho biết: Để tiếp tục nâng cao chất lượng chế độ dinh dưỡng cho VĐV, trung tâm đã làm việc với các chuyên gia thuộc Viện Khoa học TDTT, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh và các đơn vị có liên quan để xây dựng các giải pháp bảo đảm dinh dưỡng cho các VĐV theo yêu cầu mới hiện nay. Bên cạnh đó, trung tâm đã ban hành Thông báo số 555/TB-TTHLTĐTDTT ngày 19/6/2024 về việc quản lý, cấp phát và sử dụng thực phẩm chức năng cho VĐV. Việc lựa chọn thực phẩm chức năng được thực hiện trên cơ sở có sự tính toán khoa học, phù hợp với đặc điểm của từng đội tuyển bộ môn, từng VĐV, sao cho các em có một nền tảng thể lực, sức bền tốt nhất cho tập luyện và thi đấu. Trung tâm cũng đã đề xuất và tiến hành sửa chữa, và mua sắm trang thiết bị cho nhà ăn (căng tin) dành cho VĐV, tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến mua sắm thực phẩm chức năng cho VĐV năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thể thao Thanh Hóa đã bước vào quá trình xây dựng và chuẩn bị lực lượng cho các sự kiện lớn như Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X – năm 2026, SEA Games 33 – năm 2025, cũng như các giải đấu cấp quốc gia, quốc tế, bởi vậy việc thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm dinh dưỡng cho VĐV, huấn luyện viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây là cơ sở để thể thao Thanh Hóa nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện, qua đó tiếp tục phấn đấu giữ vững vị thế tốp đầu toàn quốc và bứt phá về thành tích ở đấu trường quốc tế.
Bài và ảnh: Mạnh Cường
Nguồn: http://baothanhhoa.vn/bao-dam-che-do-dinh-duong-cho-nbsp-vdv-the-thao-thanh-tich-cao-222170.htm