Nhiều người biết đến và gọi họ bằng những cụm từ khó nghe như ‘cầu thủ hạng hai’, ‘hàng thải châu Âu’… khi số cầu thủ này được mời khoác áo đội tuyển Indonesia. Nhiều người khác đặt câu hỏi rằng liệu họ đến đây vì tiền thay vì màu cờ sắc áo hay truyền thống quốc gia? Những lời giãi bày từ chính người trong cuộc có lẽ sẽ phần nào đưa ra lời giải.
Thủ môn Paes và Hubner đang là các trụ cột của tuyển Indonesia
“Nếu vì tiền, tôi đã không chọn Indonesia”
Thủ thành Maarten Paes, người từng khoác áo U21 Hà Lan tranh tài ở châu Âu trước khi trở thành công dân Indonesia, kể về câu chuyện của mình: “Chúng tôi thường bị coi là lợi dụng tình hình để kiếm chác. Nhưng trên thực tế, con người có rất nhiều hoàn cảnh mà họ phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, tôi đã chọn khoác áo tuyển Indonesia, vì bà nội tôi là người Indonesia.
Tôi rất thân với bà. Vào năm ngoái, Indonesia đã liên hệ với tôi. Khi ấy, sức khỏe của bà tôi bắt đầu xấu đi. Và tôi thường xuyên ngồi nói chuyện với bà. Trong câu chuyện, chúng tôi đã nhắc về cơ hội thi đấu cho đội tuyển Indonesia.
Bà động viên tôi tiếp tục cố gắng để chờ ngày trở thành công dân Indonesia, rồi được vào đội tuyển quốc gia… Đó là lý do tôi chọn thi đấu cho đội tuyển này. Tôi muốn có nhiều thời gian ở bên bà hơn. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng tôi rất vinh dự được có mặt ở đây.”
Một ngôi khác đến từ Hà Lan là Justin Hubner cũng kể về động lực đưa anh đến với Indonesia. Với Hubner, anh muốn được khoác áo một đội tuyển quốc gia nào đó.
Trung vệ này nói: “Nếu chỉ nghĩ đến tiền, có lẽ tôi sẽ không chọn thi đấu cho Indonesia. Tại châu Âu, tôi có thể kiếm tiền nhiều hơn, lại có cuộc sống yên tĩnh, bình lặng hơn là trở thành một ngôi sao ở Đông Nam Á.
Indonesia đang chứng tỏ được sự đúng đắn của chính sách nhập tịch bằng thắng lợi trước Saudi Arabia
Nhưng với tôi, được vào đội tuyển là một thử thách, một vinh dự mà nhiều cầu thủ mong muốn một lần trong đời. Bản thân tôi luôn coi mình là người Indonesia. Và khi bạn là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, có cơ hội khoác áo đội tuyển bạn thích thì bạn phải chớp lấy. Đó là một thách thức để nâng tầm sự nghiệp. Nó khiến bạn muốn hoàn thiện bản thân hơn nữa, để đạt được thành công lớn hơn”.
Có thể mọi lý do của 2 cầu thủ này đều phải được “tô vẽ” để đẹp lòng truyền thông. Hoặc cũng có thể đằng sau động lực đưa họ đến với Garuda là những câu chuyện thực sự có ý nghĩa.
Tuy nhiên, dù lý do là gì thì họ cũng đã đến với Đông Nam Á, được trải nghiệm cảm giác mà họ chưa từng có trong đời: Trở thành ngôi sao.
“Một thế giới khác khi phục vụ màu áo Indonesia”
Từ một cầu thủ tầm trung bình, thi đấu cho những đội bóng nhỏ bé tại châu Âu hay Mỹ, nay được hàng vạn người theo dõi, chứng kiến cuộc sống sôi động hơn rất nhiều… Đó là những cảm giác mà Paes và Hubner đang cảm thấy choáng ngợp.
Ở Mỹ, Paes không được ai biết đến nhưng tại Indonesia, mọi thứ rất khác
“Có lẽ tôi cũng biết đôi chút về niềm đam mê bóng đá của người dân ở đây. Nhưng tôi không nghĩ nó lại lớn đến thế”, thủ môn Maarten Paes nói. “Khi thi đấu ở Mỹ, tôi có thể là thủ môn số 1 của Dallas FC nhưng cuộc sống ngoài sân cỏ của tôi lại rất bình lặng. Tôi có thể dễ dàng đi bộ tới bất cứ đâu trên những con phố đông đúc ở Dallas hay thậm chí là bang Texas. Bởi vì không có ai chú ý và quan tâm đến tôi.
Còn ở Indonesia, đó là một trải nghiệm hạnh phúc. Có nhiều người hâm mộ cố gắng bắt chuyện với tôi trên cả trên đường đi và trên mạng xã hội. Cho đến khi tôi không thể ra đường như người bình thường nữa. Bởi vì sẽ có người hâm mộ vây quanh. Kênh cá nhân của tôi bị “phủ bụi” bấy lâu. Nhưng đột nhiên tôi trở nên nổi tiếng và có rất nhiều người theo dõi.
Tôi cũng đáp ứng kỳ vọng của họ bằng cách xây dựng các kênh mạng xã hội khác và lượng phản hồi là rất lớn. Tôi luôn phải cố gắng phản hồi nhanh nhất có thể. Đó là một điều tốt”, Maarten Paes, người chỉ có vài ngàn lượt theo dõi trên Instagram nay đã cán mốc 1,7 triệu, vui vẻ kể về trải nghiệm làm ngôi sao của mình.
Thậm chí với Hubner, anh còn nổi tiếng hơn cả Paes. Số lượng người theo dõi trang cá nhân của trung vệ này đã lên tới 2,7 triệu, gấp 540 lần so với thời điểm khởi đầu chỉ 5.000.
“Về phương tiện truyền thông, mọi thứ phát triển rất nhanh. Tôi đã có cơ hội đạt được thỏa thuận với các thương hiệu khác nhau. Giống như tôi đang sống trong giấc mơ chỉ sau 1 đêm vậy”, Hubner nói .
“Lúc đầu, các đồng đội của tôi ở Wolves hỏi tôi có thực sự muốn khoác áo đội tuyển Indonesia không. Tôi nói tôi có. Đó là một lựa chọn rất tốt, mọi người đều thấy điều đó. Và bây giờ, mọi người vẫn trêu chọc tôi là có cách nào giúp họ được gia nhập đội tuyển Indonesia không”.
Đặng Lai
Nguồn: https://tienphong.vn/cac-ngoi-sao-chau-au-chon-khoac-ao-doi-tuyen-indonesia-vi-tien-post1693424.tpo