Các CLB tại châu Âu mất 732 triệu euro chi phí cho cầu thủ bị chấn thương mùa trước, trong đó làng bóng đá Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tất cả CLB ở năm giải đấu hàng đầu châu Âu (Anh, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha) đã mất 732 triệu euro (610 triệu bảng) vào tiền lương chi trả cho các cầu thủ bị chấn thương mùa giải trước, một con số quá lớn và tăng nhiều so với các mùa trước, được ghi nhận trước khi tác động của lịch thi đấu mở rộng được tính đến.
Theo báo cáo thường niên Howden’s Men’s European Football Injury Index, các CLB Bundesliga của làng bóng Đức đứng đầu danh sách những đội có số ca chấn thương nhiều nhất, với tổng cộng 90.547 ngày thi đấu bị bỏ lỡ do cầu thủ bị chấn thương trên toàn bộ các giải đấu hàng đầu ở Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Những con số đáng lo ngại này cho thấy sự nghiêm trọng của tình trạng chấn thương, trong bối cảnh cuộc tranh cãi về sự quá tải lịch thi đấu và khối lượng công việc của cầu thủ ngày càng gay gắt.
Dù các CLB Premier League có số ca chấn thương và số phút thi đấu bị mất ít hơn so với các giải đấu khác, mức độ nghiêm trọng của các ca chấn thương – số ngày nghỉ cho mỗi chấn thương – lại cao hơn so với ở Đức, Tây Ban Nha và Ý. Đáng chú ý, thời gian hồi phục trung bình của các cầu thủ dưới 21 tuổi là 43,92 ngày, gần gấp đôi so với La Liga (23,03 ngày).
Làng bóng Đức có nhiều ca chấn thương nhất trong số năm giải đấu hàng đầu châu Âu. Ảnh: GETTY.
James Burrows, người đứng đầu bộ phận thể thao của công ty môi giới bảo hiểm Howden, cho biết báo cáo nhấn mạnh “nhu cầu thể chất ngày càng tăng” đối với các cầu thủ chuyên nghiệp: “Khi sự quá tải lịch thi đấu gia tăng với các giải đấu mở rộng cả trong nước và quốc tế, chúng tôi đang chứng kiến nhiều cầu thủ bị chấn thương phải ngồi ngoài trong thời gian dài hơn, với chi phí chấn thương tăng thêm 5% trong mùa giải này”.
Về các chấn thương của các cầu thủ trẻ, Burrows cho biết trước đây, số liệu được cho là bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch COVID-19 đối với việc sắp xếp đội hình. “Hiện tại, tôi không thực sự biết điều gì đang gây ra điều đó”, ông nói, “Theo quan điểm của ngành bảo hiểm, các cầu thủ lớn tuổi thường được coi là rủi ro cao hơn, thời gian hồi phục kéo dài hơn, và không nhất thiết phải trở lại sau những chấn thương mà các cầu thủ trẻ có thể vượt qua. Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy hiện nay dường như lại đi ngược lại nhận định đó”.
Howden là công ty môi giới bảo hiểm cho nhiều CLB và cơ quan quản lý bóng đá. Nghiên cứu thường niên của họ tổng hợp dữ liệu cầu thủ bị chấn thương công khai và so sánh với các tính toán về lương của công ty Sporting Intelligence. Báo cáo lần thứ tư này ghi nhận tổng cộng 4.123 ca chấn thương ở năm giải đấu.
Ngôi sao Rodri của Man City bị chấn thương là nạn nhân của lịch thi đấu dày đặc. Ảnh: GETTY.
Mặc dù số ca chấn thương đạt mức “cao kỷ lục”, tăng từ hơn 3.000 ca vào mùa giải 2020-2021, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, cho thấy một sự “ổn định” sau khi bùng nổ chấn thương hậu COVID-19 và kỳ World Cup giữa mùa giải năm 2022.
Burrows nhấn mạnh việc không nên rút ra các kết luận quá đơn giản từ dữ liệu, khi bóng đá Đức ghi nhận số ca cầu thủ bị chấn thương nhiều nhất mặc dù có giải đấu chỉ với 18 đội và thời gian nghỉ đông dài nhất. “Một số dữ liệu này phù hợp với câu chuyện về sự quá tải”, ông nói, “Nhưng cũng có những yếu tố không hoàn toàn khớp với câu chuyện đó”.
Một lĩnh vực không chắc chắn khác đối với các CLB là tác động của việc vắng mặt do các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc lo âu. Burrows lưu ý rằng đây là một lĩnh vực đang được các CLB và nhà bảo hiểm ngày càng quan tâm: “Một chủ đề lớn trong ngành của chúng tôi hiện nay, không chỉ trong bóng đá mà còn trên toàn bộ lĩnh vực thể thao và giải trí, là làm thế nào để phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhằm giải quyết các vấn đề này”.
ANH NHẬT
Nguồn: https://plo.vn/video/chi-phi-khung-khiep-cho-cau-thu-bi-chan-thuong-post815675.html