Trang chủ Bóng đá Chuyện chưa từng kể về đội tuyển nữ Việt Nam

Chuyện chưa từng kể về đội tuyển nữ Việt Nam

8
0

Hành trình gần 30 năm thăng trầm của bóng đá nữ Việt Nam được tái dựng đầy cảm xúc dưới ống kính đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.

*Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Tháng 07/1997, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có chuyến xuất ngoại đầu tiên, trong bối cảnh chưa có một CLB chính thức và giải VĐQG cũng chưa được thành lập.

Có lẽ, không ai trong số những người được chứng kiến sự kiện vừa đáng nhớ mà cũng vừa kỳ lạ ấy, hay ngay cả những người cảm nhận rõ cái khó khăn, bấp bênh, nỗi buồn của việc làm bóng đá nữ, sẽ mường tượng được con đường quá đỗi thăng trầm và thành tựu của đội tuyển nữ Việt Nam.

Tháng 07/2023, tức tròn 27 năm kể từ chuyến xuất ngoại đó, những cô gái Việt Nam đã đặt chân đến World Cup – sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh.

Phải thắng!

Phim tài liệu Bóng đá nữ Việt Nam – Chuyện lần đầu kể được cầm trịch bởi Nguyễn Thị Thắm – đạo diễn bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng từng gây sốt một thời.

Tác phẩm mở đầu với những tư liệu về bóng đá nữ Việt Nam vào khoảng 30 năm trước. Những ngày đầu tiên, và dĩ nhiên cũng là những ngày khó khăn nhất, đó là thời điểm mà bóng đá nữ Việt Nam đang sống trong không khí vội vã xen lẫn phấn khởi cho chuyến xuất ngoại đầu tiên.

“Đủ người trước đã, hay dỡ tính sau”, những chia sẻ có phần dí dỏm của HLV Mai Đức Chung phần nào nói lên cái oái oăm đến mức hài hước của đội tuyển nữ thời kỳ sơ khai. Lần đầu tiên chúng ta bước ra trường quốc tế nhưng lại chỉ mong có đủ người để đi.

Bóng đá nữ bấy giờ rõ ràng vẫn là một thứ gì đó rất lạ lẫm. Những cô gái, trong bối cảnh mà xã hội vẫn tương đối ít cởi mở, lại “đầu trần chân đất”, phơi mình ngoài nắng, dĩ nhiên thu hút không ít lời ra tiếng vào của gia đình lẫn những người xung quanh. Thêm vào đó, đây cũng không phải một công việc có thể kiếm nhiều tiền, và thực sự nếu muốn “vinh thân phì da”, không cô gái nào lại chọn đi đá bóng.

Đội tuyển nữ Việt Nam thời kỳ đầu. Ảnh tư liệu

Trên phim, những lát cắt rất riêng tư của các nữ cầu thủ trong giai đoạn này được thuật lại một cách đầy cảm xúc. Họ sinh ra trong nghèo khó như nhau, đôi khi mông lung về tương lai như nhau, hay bị hỏi những câu “kém duyên” như nhau, và cùng nhau tập luyện trong điều kiện thiếu thốn. Đó là những khó khăn điển hình của cả một thế hệ cầu thủ tiên phong, đến với bóng đá nữ thời kỳ chưa có gì.

Nhưng mặt khác, họ cũng đam mê, nhiệt huyết và có chung một mục tiêu như nhau, đó là phải thắng bằng mọi giá. Như cách tiền đạo Lưu Ngọc Mai bộc bạch, rằng họ là những người đi tiên phong, nhất định phải có thành tích để chứng minh bản thân

Có lẽ, chính sự quyết tâm đã giúp các cô gái thi đấu ấn tượng trong chuyến xuất ngoại năm đó, thậm chí giành huy chương đồng ngay trong lần đầu tiên tham dự Seagame. Từ đó, những người tiên phong đã hoàn thành sứ mệnh mở ra kỷ nguyên cho bóng đá nữ Việt Nam.

Hành trình anh hùng

Năm 2011, đội tuyển nữ Nhật Bản xuất sắc đánh bại Mỹ để lần đầu tiên đem cúp vàng World Cup về Châu Á. Thành tích phi thường đó khiến thế giới ngỡ ngàng. Các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam, cũng mạnh dạn hơn trong việc đặt mục tiêu. Tham dự World Cup, dù vẫn còn nằm trong những giấc mơ đẹp đẽ nhất, song khả năng hiện thực hóa nó đã không còn là điều bất khả thi.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, với cách dựng phim giàu tiết tấu, đã tinh tế để khán giả cảm nhận được cách giấc mơ World Cup từ khi nó hình thành cho đến lúc được truyền qua nhiều thế hệ cầu thủ.

Người kế thừa vị trí và khát vọng của Lưu Ngọc Mai là Huỳnh Như. Ngay từ khi chương mở đầu dần khép lại, ống kính của Nguyễn Thị Thắm đã tập trung vào việc tái dựng lại tuổi thơ khó khăn, niềm đam mê bóng đá ngay từ nhỏ và tài năng vượt trội của nữ cầu thủ.

Đó là khởi đầu cho một hành trình anh hùng. Huỳnh Như, giờ đây như ai cũng biết, là đội trưởng và cũng là huyền thoại của đội tuyển nữ Việt Nam. Cách đạo diễn Nguyễn Thị Thắm gắn kết hành trình của đội tuyển với câu chuyện của một cá nhân kiệt xuất trong hành trình đó giúp tác phẩm dễ theo dõi và cũng cuốn hút hơn so với một bộ phim tài liệu thông thường.

Huỳnh Như là cầu thủ hiếm hoi của bóng đá Việt Nam thành công khi xuất ngoại.

Tuy nhiên, anh hùng cũng không thể tự mình làm nên những điều lớn lao nếu không có đồng đội. Đồng hành cùng cô là những hậu vệ Hoàng Thị Loan, tiền đạo Hải Yến và tiền vệ Bích Thùy. Sau này, khi đã ở vị trí phải dẫn dắt thế hệ tiếp theo, Huỳnh Như còn có thêm những cầu thủ đàn em như Thanh Nhã.

Và cũng phải đến thế hệ của Thanh Nhã, tức là sau gần 30 năm với không ít va vấp, giấc mơ World Cup của bóng đá nữ Việt Nam mới thật sự trở thành hiện thực. Từ thời điểm đội tuyển chưa có Huỳnh Như, rồi khi cô mới là một cầu thủ trẻ, cho đến lúc đạt đỉnh cao sự nghiệp và sau đó trở thành người dẫn dắt thế hệ sau, hành trình chinh phục giấc mơ World Cup của đội tuyển đã trải qua nhiều giai đoạn đáng nhớ.

Thời điểm dịch Covid bùng nổ là cao trào trong bộ phim, và với việc Bóng đá nữ Việt Nam – Chuyện lần đầu kể là một tác phẩm điện ảnh tài liệu, những diễn biến trên màn ảnh thực chất cũng chính là cao trào của cuộc đời.

Trong chuyến tập huấn chuẩn bị cho giải đấu tranh vé dự World Cup 2023, 4 cầu thủ Việt Nam đã dương tính với Covid. Không lâu sau, con số đã lần lượt tăng lên 9, 13 và cuối cùng một buổi tập chỉ còn lại 3, 4 người. Cơ hội dự World Cup gần như đã không còn.

Một cảnh trong bộ phim tài liệu Bóng đá nữ Việt Nam – Chuyện lần đầu kể. Ảnh: Vietcontent

Song, điều thần kỳ đã xảy ra trước trận đấu 3 ngày. 14 cầu thủ cùng lúc đủ điều kiện tham gia thi đấu, và cũng chính họ, những con người suốt hàng tháng trời không tập luyện, đã vượt qua vòng loại một cách không thể kỳ diệu hơn.

Phim kết thúc khi quốc ca Việt Nam vang lên ở New Zealand, trong một trận đấu với đội tuyển Mỹ tại World Cup. Đội tuyển nữ Việt Nam, dù thua kém về thể hình lẫn đẳng cấp, vẫn thi đấu theo cách đầy kiên cường, như những gì họ và các thế hệ trước của họ đã làm suốt gần 30 năm qua.

Khác chăng, những bước chân khi đó ý nghĩa hơn bởi nó là thành quả của một quá trình quá dài, quá gian truân, và của quá nhiều thế hệ bóng đá nữ Việt Nam.

Thuận Minh

Nguồn: https://znews.vn/chuyen-chua-tung-ke-ve-doi-tuyen-nu-viet-nam-post1506009.html

Bài trướcBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu bảo vệ khẩn cấp bảo vật quốc gia sau vụ cháy chùa Phổ Quang
Bài tiếp theoTin thể thao (24-10): Barcelona nhấn chìm Bayern Munich, Man City vùi dập Sparta Prague

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây