Bóng đá là môn hiếm hoi có những ứng viên tiềm năng tự tìm đến tuyển trạch viên. Ở những môn thể thao còn lại, các HLV, địa phương phải tuyển mộ tài năng thông qua đội ngũ cánh tay nối dài, vốn nắm rõ địa bàn như lòng bàn tay.
Công việc thầm lặng
“Hôm nay, chúng tôi đón một đoàn HLV từ Hà Nội đến. Tuần trước có HLV từ Bắc Ninh, còn tuần tới là đội Vĩnh Phúc”, anh Hải, một “chuyên gia săn đầu người” chia sẻ. Công việc chính của anh là giáo viên thể dục cấp tiểu học. Bên cạnh đó, thầy giáo này còn kiêm nhiệm công tác tuyển chọn, tìm ra những tài năng cho thể thao Việt Nam.
Trịnh Thu Vinh là VĐV được phát hiện từ hệ thống tìm nhân tài ở cơ sở.
Mạng lưới săn tìm những VĐV thể thao tiềm năng của Việt Nam đã hình thành và hoàn thiện trong những năm gần đây. Mô hình này không được công chúng biết đến rộng rãi, nhưng đã tồn tại, phát triển ngay trong lòng các trường phổ thông. Những mắt xích then chốt của hệ thống này chính là đội ngũ giáo viên giảng dạy thể chất.
Chia sẻ thêm về công việc “săn đầu người” của mình, anh Hải nói bản thân không bao giờ làm việc đơn lẻ. Những giáo viên làm công việc tương tự như anh có ở khắp mọi nơi. Họ lập thành từng nhóm, bao gồm giáo viên thuộc nhiều cấp khác nhau, hoạt động theo từng quận, huyện, thị xã. Đối tượng tuyển mộ chính là học sinh của địa phương.
“Tôi bắt đầu công việc này từ khoảng 8 năm trước. Khi ấy, HLV thuộc các đội thể thao Hà Nội, Quân Đội, Công an Nhân dân, Hải Dương thường trực tiếp về địa phương để tuyển VĐV. Nhưng cách làm đó tồn tại nhiều hạn chế. Không phải HLV nào cũng là người tỉnh lẻ, am hiểu địa phương như người bản xứ nên tuyển không hiệu quả”, anh Hải cho biết.
Từ những chuyến đi không như ý đó, HLV các đơn vị trên đặt vấn đề với anh Hải và đồng nghiệp. Họ muốn anh chắt lọc, tìm ra những VĐV tiềm năng trong số học sinh được anh trực tiếp giảng dạy. Trên cơ sở đó, anh sẽ ghi chú, đánh giá và phân loại ứng viên. Đó chính là nền tảng hình thành mạng lưới tuyển trạch VĐV như hiện nay.
Trên cơ sở công việc chính, anh Hải sẽ ghi nhận những học sinh có tố chất tiềm năng làm VĐV. Đó có thể là những em dậy thì trước tuổi, có chiều cao, cân nặng tốt hơn bạn bè đồng trang lứa. Số khác sở hữu tốc độ chạy hoặc khả năng bật nhảy, còn VĐV cử tạ là những người có chân tay ngắn, lưng dài hơn người bình thường.
“Công việc chuyên môn của chúng tôi được tiếp xúc với những tài liệu, thông số về thể chất trung bình của người Việt Nam theo từng nhóm tuổi. Vì lý do đó, tôi và các đồng nghiệp sẽ dễ dàng tìm ra được VĐV tiềm năng. Đó có thể là hoạt động kiểm tra sức khỏe, may đo đồng phục, hoặc giám định thể chất định kỳ”, anh Hải cho biết.
Quả ngọt và đãi ngộ
Thể thao Việt Nam có không ít VĐV được phát hiện từ mô hình tuyển chọn như của anh Hải và các cộng sự. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là VĐV bắn súng Trịnh Thu Vinh. Cô gái vàng của thể thao Công an Nhân dân vốn là VĐV điền kinh, được giới thiệu lên đoàn Công an thông qua các giáo viên thể chất của một huyện tại Thanh Hóa.
Cũng theo chia sẻ của giáo viên Hải, nhận định “thể thao học đường Việt Nam không phát triển” có phần không chính xác. Bởi, một trong những cơ sở để tìm ra VĐV tiềm năng chính là hệ thống giải thể thao phong trào. Đó chính là Hội khỏe Phù Đổng các cấp. Từ đó, hệ thống tuyển trạch VĐV gần như không bỏ qua bất cứ gương mặt nào.
“Không giống 15-20 năm trước, phần lớn các em bây giờ đã bộc lộ tiềm năng thể chất khi bước vào tuổi dậy thì ở cuối cấp 1, đầu cấp 2. Khi ấy, tiềm năng và tố chất thể thao của các em cũng dần bộc lộ. Nếu chúng tôi bỏ sót một VĐV nào đó, lý do thường là các em và gia đình từ chối theo nghiệp thể thao”, anh Hải khẳng định.
Từ đây, những tuyển trạch viên giống như anh Hải có thêm một nhiệm vụ khác. Họ phải kiêm nhiệm phần việc từ những HLV thể thao chuyên nghiệp: Làm công tác tư tưởng với gia đình học sinh. Khi đó, phần lớn những gương mặt tài năng được giới thiệu đều được gia đình gật đầu đồng ý. Họ chỉ chờ đến lúc có người “nhặt” các em về đội.
Trong khoảng thời gian 1 năm qua, hoạt động sàng lọc, tuyển mộ VĐV tiềm năng của anh Hải gặp nhiều khó khăn hơn. Những câu chuyện bê bối trong ngành thể thao khiến một số phụ huynh đặt dấu hỏi: Liệu có nên cho phép con mình theo nghiệp VĐV? Đời sống được cải thiện cũng khiến nhiều gia đình không muốn con phải đi học, đi tập xa nhà.
Với những gia đình gật đầu đồng ý, ưu tiên hàng đầu của họ là chọn môn thể thao “nhẹ nhàng”. Đó thường là những môn tập luyện, thi đấu trong nhà, ít va chạm. Vì lý do đó, những HLV bóng chuyền, bóng rổ thường tuyển quân khá dễ. Ngược lại, HLV các bộ môn võ luôn phải đau đầu với công tác đào tạo trẻ, bởi lượng VĐV đầu vào thiếu hụt.
Điều cuối cùng được anh Hải tiết lộ, là anh và các cộng sự không làm việc này không công. Theo tiêu chí phân loại và xếp hạng, mỗi ứng viên trẻ lại có giá “lót tay” khác nhau. Con số có thể là 1, 3, 5, 7 hoặc 10 triệu đồng, tùy vào tiềm năng hiện hữu ở ứng viên đó.
“Chúng tôi biết số tiền mình đưa ra có thể đắt đỏ, nhưng hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực. Bởi đây là việc làm cần nhiều người góp sức. Mạng lưới tuyển trạch viên đã làm mọi công việc cần thiết, và việc của HLV khi đó là chọn người và chi tiền”, anh Hải nói.
An Khánh
Nguồn: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/chuyen-di-tim-tai-nang-cho-the-thao-viet-nam-i745615/