Tâm điểm tranh cãi của Olympic Paris diễn ra ở môn Boxing, nơi 2 VĐV nữ từng bị kết luận là nam nhưng vẫn được thi đấu. Vậy đâu là cơ sở để xác định giới tính của vận động viên trong thi đấu thể thao thành tích cao, và bản thân những HLV, VĐV, quan chức thể thao nghĩ gì về việc này?
Toàn cảnh từ Olympic
Kể từ Thế vận hội London 2012, chương trình thi đấu môn Boxing của mỗi kỳ Olympic dần mở rộng số nội dung dành cho nữ. Cơ hội dành cho các võ sĩ nữ tăng lên theo thời gian, nhưng từ đó cũng đi kèm không ít tranh cãi. Một giọt nước tràn ly từ đó xuất hiện tại Olympic Paris.
Tranh cãi nổ ra trong hạng mục Boxing nữ trước cả khi Olympic Paris bắt đầu. Công chúng đặt nghi vấn về trường hợp của 2 nữ võ sĩ Imane Khelif (Algeria) và Lin Yu Ting (Đài Bắc Trung Hoa). Họ từng bị cấm thi đấu tại Giải vô địch thế giới 2023, nhưng vẫn được tranh tài ở Olympic.
Đỉnh điểm của sự nghi vấn dồn lên 2 võ sĩ trên là lúc Imane Khelif giành chiến thắng trong trận mở màn. Đối thủ của cô, một đại diện từ Italia, chủ động xin thua cuộc chỉ sau 46 giây. Khi ấy, Imane Khelif mới đấm trúng đối phương 2 lần. Võ sĩ Italia bước khỏi nhà thi đấu với khuôn mặt đẫm nước mắt, và nói thể chất hai bên quá chênh lệch.
IOC có thể thay đổi mạnh về mặt thượng tầng nếu ông Thomas Bach không còn là chủ tịch.
Bên lề giải đấu, Liên đoàn Boxing các quốc gia Italia, Hungary và Bulgaria liên tục chất vấn Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Đây là những nước có VĐV tranh tài với Imane Khelif và Lin Yu Ting. Họ yêu cầu IOC phải giải thích tại sao 2 võ sĩ trên được đấu dù từng bị kết luận là nam giới.
Đáp lại chất vấn của nhiều nước thành viên, IOC cho biết họ ủng hộ hoàn toàn việc cho phép Imane Khelif và Lin Yu Ting thi đấu. Chủ tịch IOC Thomas Bach đưa ra thông báo 2 võ sĩ trên “sinh ra như một phụ nữ và được nuôi nấng như phụ nữ”. Căn cứ duy nhất xác định giới tính của họ là thông tin được… ghi trên hộ chiếu đăng ký.
Luận điểm được IOC đưa ra không thuyết phục. Hiệp hội Boxing Quốc tế (IBA), cơ quan từng bị IOC phế truất khỏi vị trí quản lý môn Boxing cấp độ Olympic, cho biết họ có cơ sở khoa học khẳng định 2 võ sĩ trên là nam. Cơ quan này cho biết, Imane Khelif và Lin Yu Ting đều có nhiễm sắc thể XY, nên họ không phải nữ giới.
Tranh cãi xung quanh giới tính của Imane Khelif và Lin Yu Ting có thể xuất phát từ mâu thuẫn chung trong hoạt động quản lý Boxing cấp độ Olympic. Nhưng bên cạnh câu chuyện đó, cần tìm hiểu sâu hơn ở góc độ khoa học: Thể thao định nghĩa giới tính VĐV như thế nào? Trước 2 võ sĩ trên, từng có trường hợp nào bị cấm vì lý do tương tự?
Im lặng và ồn ào
Trong giai đoạn 2016-2017, Boxing châu Á từng xuất hiện một nữ võ sĩ thi đấu nổi bật tại nhiều giải trẻ. Võ sĩ này tỏ ra không có đối thủ tại các giải quốc nội lứa tuổi 15-16 và 17-18. Điều đó tiếp tục được cô thể hiện khi bước ra sân chơi quốc tế, với đỉnh cao là tấm HCV giải vô địch Boxing trẻ châu Á 2017, vô địch giải trẻ Đông Nam Á 2017.
Những chiến thắng liên tiếp của VĐV nói trên tại các giải Boxing trẻ quốc tế nhanh chóng bị đặt dấu hỏi. Điều gì giúp cho VĐV này thể hiện sức mạnh áp đảo như vậy trước những đối thủ cùng lứa tuổi, cùng hạng cân? Đáng chú ý hơn, sự khác biệt đó lại đến từ chênh lệch sức mạnh thể chất, chứ không phải trình độ chuyên môn đơn thuần.
Trước kiến nghị từ nhiều VĐV, HLV của một số quốc gia tham dự giải vô địch Boxing trẻ châu Á 2017, Liên đoàn Boxing châu Á (ASBC) đã yêu cầu VĐV trên lấy mẫu xét nghiệm. Bên cạnh việc kiểm tra doping, việc xác định giới tính của VĐV cũng đặc biệt quan trọng trong thi đấu thể thao. Kết quả: VĐV này có nhiễm sắc thể của nam.
ASBC sau đó tiến hành xét nghiệm thêm dựa trên một số mẫu thử khác, và đều có kết quả giống với lần thử ban đầu. Ngay lập tức, đơn vị này phát đi thông báo cho Liên đoàn Boxing quốc gia của VĐV trên. Nhưng thay vì công khai câu chuyện, họ quyết định riêng để đảm bảo danh dự cho VĐV. Từ đó, VĐV này không thi đấu nữa.
Để Liên đoàn Boxing của quốc gia trên “tâm phục khẩu phục”, ASBC còn cho họ được phép kiểm tra độc lập giới tính VĐV đó. Liên đoàn này cho biết, họ đã đưa VĐV trên đến xét nghiệm ở 3 bệnh viện hàng đầu. Cả 3 bệnh viện đều cho kết quả VĐV trên là nam, giống với xét nghiệm từ ASBC.
Câu chuyện tương tự được IBA áp dụng cho trường hợp của 2 nữ võ sĩ Imane Khelif và Lin Yu Ting. IBA đã lấy mẫu máu của 2 VĐV trên để xét nghiệm giới tính trong 2 năm riêng biệt. Chỉ đến khi tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho thấy 2 VĐV trên là nam, IBA mới quyết định tước quyền thi đấu của họ, đồng thời muốn giải quyết mọi chuyện trong im lặng.
Việc làm của IBA lẽ ra đã chìm vào quên lãng giống ASBC trước kia, nếu như Imane Khelif và Lin Yu Ting không tiếp tục thi đấu tại các giải trong hệ thống Olympic. Mâu thuẫn giữa IBA và IOC, thông qua hoạt động quản lý môn Boxing ở Olympic, đã vô tình khiến mọi chuyện đi xa hơn. Bởi từ góc nhìn của IOC, mọi phán quyết IBA đưa ra đều vô giá trị.
Trên thực tế, những luận điểm của IBA không thể xem nhẹ. Ở thời điểm hiện tại, IBA vẫn còn tầm ảnh hưởng rất lớn trong mảng Boxing cấp độ Olympic dù họ bị IOC tước quyền quản lý. Trong số 198 quốc gia thành viên IBA trước kia, mới chỉ có 38 nước chọn ly khai để “về phe” IOC. 160 nước còn lại giữ thái độ trung lập, hoặc kiên trì ở lại IBA.
Huấn luyện viên, vận động viên, các chuyên gia nghĩ gì?
Câu chuyện của 2 VĐV Imane Khelif và Lin Yu Ting tại Olympic Paris đã gây chú ý với người làm chuyên môn Việt Nam. Bác sĩ Quan Thế Dân, người có hơn 4 thập niên làm việc trong ngành y, đã chia sẻ một góc nhìn khá thú vị về việc này. Ông cũng không loại trừ khả năng Khelif và Lin Yu Ting có lợi thế về thể chất so với đồng nghiệp.
“IOC hay IBA đều có lý trong việc bảo vệ quan điểm của họ về giới tính VĐV. Nhưng thể thao là lĩnh vực cần phân chia giới tính rõ ràng, sòng phẳng. VĐV nữ không thể thi đấu cùng nam giới và ngược lại. Vì thế, tôi thấy nên ủng hộ quyết định của IBA để đảm bảo bình đẳng thực lực trong thể thao”, ông Dân nói.
Một góc nhìn khác được bác sĩ Quan Thế Dân đưa ra, đó là hormone sinh dục nam (testosterone) từng được VĐV đưa vào cơ thể như một loại doping. Vì thế, quan điểm của IBA cần được tôn trọng. Hiện tại, IBA không cho phép những VĐV nữ mang nhiễm sắc thể XY, hoặc có nồng độ testosterone cao vượt ngưỡng thông thường thi đấu.
Đó là quan điểm từ góc nhìn y học của một bác sĩ. Còn những người làm chuyên môn trong giới thể thao nghĩ sao về việc này? HLV trưởng phụ trách môn Boxing của một địa phương thuộc khu vực phía Bắc khẳng định, ông sẽ không bao giờ để VĐV của mình thi đấu với những đối thủ mang giới tính nữ lên đài thi đấu, nhưng lại có thể chất nam giới.
“Chúng tôi có thể cho VĐV nữ đấu tập với nam, nhưng mọi thứ chỉ nên dừng lại ở giới hạn tập luyện. Khác biệt thể chất giữa nam và nữ là rất lớn. Điều đó càng quan trọng hơn trong những môn thể thao yêu cầu cường độ vận động mạnh như Boxing. Việc từ chối thi đấu cũng được tính đến như một phương án để bảo vệ VĐV”, HLV này chia sẻ.
Theo vị HLV này, tôn chỉ trong thể thao thành tích cao là hướng đến sự công bằng, cao thượng. Vì thế, các HLV, VĐV không nên cố gắng đạt thành tích bằng mọi giá, mà quên đi những giá trị căn bản của thể thao.
Imane Khelif khẳng định cô là nữ, dù bị kết luận mang nhiễm sắc thể nam.
Đơn Ca
Nguồn: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chuyen-ve-gioi-tinh-nam-nu-trong-the-thao-thanh-tich-cao-i740143/