TP HCM triển khai kế hoạch xử lý các dự án tồn đọng, chậm tiến độ; Thanh Hóa có thêm khu công nghiệp hơn 1.000 tỷ đồng; Hà Tĩnh cung cấp thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai dự án; Viglacera được chấp thuận đầu tư khu công nghiệp rộng hơn 254 ha ở Yên Bái… là những tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý.
Thanh tra toàn diện dự án sân golf và nghỉ dưỡng ở Bắc Giang
Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định thanh tra toàn diện dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại huyện Lục Nam trong thời gian 45 ngày. Quyết định được ban hành nhằm kiểm tra, xác minh các nội dung liên quan đến dự án, đảm bảo tính pháp lý và hiệu quả đầu tư.
Thanh tra toàn diện dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang.
Đoàn Thanh tra liên ngành, do ông Phạm Quý Viên, Trưởng phòng Tiếp công dân, xử lý đơn, Thanh tra tỉnh Bắc Giang làm trưởng đoàn, sẽ bao gồm các thành viên từ nhiều cơ quan, bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2020 với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Golf Trường An Lục Nam. Dự án được điều chỉnh quy hoạch vào tháng 7/2021, bổ sung các hạng mục như thiết kế trạm bơm chữa cháy, điều chỉnh một số tuyến cầu, đường ống cấp thoát nước và các thay đổi về hạ tầng kỹ thuật.
Theo Quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ dự án, việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh phải đảm bảo việc chuyển đổi 122,4 ha rừng sản xuất để thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.
Công ty Cổ phần Golf Trường An Lục Nam cũng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của các thông tin trong hồ sơ dự án. Trong quá trình thực hiện, công ty phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, tài nguyên nước và các quy định pháp lý khác, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư của dự án.
TP HCM triển khai kế hoạch xử lý các dự án tồn đọng, chậm tiến độ
UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch xử lý các dự án và công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong các dự án đầu tư công, tư và đối tác công tư.
Kế hoạch phân loại các dự án thành 5 nhóm chính, bao gồm: Các dự án đầu tư công, tư và đối tác công tư, giao cho các sở, ngành, quận, huyện và ban quản lý rà soát và đề xuất phương án xử lý vướng mắc; Các tài sản công, như trụ sở cơ quan, đơn vị, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Dự án của doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc có vốn góp của Nhà nước; Các dự án liên quan đến thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; Các khu đất lớn, vị trí đắc địa chưa được đưa vào sử dụng, cần rà soát và đề xuất phương án xử lý.
UBND TP HCM yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, phân loại và xác định thẩm quyền xử lý các dự án tồn đọng, dự kiến hoàn thành trước ngày 20/11/2024. Các dự án ưu tiên giải quyết trong năm 2024 cần triển khai ngay các biện pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, UBND TP giao Sở Tư pháp nghiên cứu các vướng mắc pháp lý liên quan đến các dự án kéo dài, gây lãng phí, báo cáo đề xuất giải pháp cho Ban Thường vụ Thành ủy và Trung ương. Sở Nội vụ cũng sẽ theo dõi, đôn đốc và có biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Thanh Hóa có thêm khu công nghiệp hơn 1.000 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1431/QĐ-TTg, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology – Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.320 tỷ đồng (tương đương 55 triệu USD). Trong đó, vốn góp của các nhà đầu tư là 216 tỷ đồng (9 triệu USD).
Ảnh minh họa
Dự án được thực hiện tại các xã Hoằng Quỳ, Hoằng Quý, Hoằng Xuyên và Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, trên diện tích đất 178,51 ha. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng cho khu công nghiệp.
Dự án có thời gian hoạt động lên tới 50 năm, kể từ ngày được chấp thuận, với tiến độ thực hiện không quá 36 tháng từ khi nhà đầu tư được bàn giao đất. Các nhà đầu tư tham gia vào dự án bao gồm WHA Industrial Development 2 (SG) Pte. Ltd., Công ty TNHH WHA Industrial Management Services Việt Nam và Công ty Cổ phần WHAUP Nghệ An.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định và quản lý dự án, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa đảm bảo tính chính xác của thông tin báo cáo, đảm bảo dự án phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh.
Nhà đầu tư cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai, môi trường và các yêu cầu khác trong quá trình thực hiện dự án.
Hà Tĩnh cung cấp thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai dự án
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 6987/UBND-NL giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp cung cấp thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, theo dõi thông tin về tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai của người sử dụng đất theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 122, Luật Đất đai năm 2024; chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan tổng hợp, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và cung cấp thông tin để công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước và phối hợp cung cấp thông tin vi phạm pháp luật về đất đai theo đề nghị của các tỉnh, thành phố.
Giao UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý nhà nước kịp thời rà soát, báo cáo, cung cấp các thông tin liên quan theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp đăng tải trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh khi có đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan.
Viglacera được chấp thuận đầu tư khu công nghiệp rộng hơn 254 ha ở Yên Bái
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn 1) tại tỉnh Yên Bái. Dự án có quy mô 254,59 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.184 tỷ đồng (tương đương 91 triệu USD), do Tổng công ty Viglacera (VGC) làm nhà đầu tư.
Viglacera được chấp thuận đầu tư khu công nghiệp rộng hơn 254 ha ở Yên Bái (Ảnh minh họa)
Khu công nghiệp Trấn Yên sẽ được xây dựng tại xã Bảo Hưng và Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là một khu công nghiệp đa ngành, thuộc hệ thống các khu công nghiệp quốc gia. Giai đoạn 1 của dự án sẽ tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng các hạ tầng kỹ thuật quan trọng như đường giao thông, cây xanh, cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng và hạ tầng viễn thông, cùng với các công trình xử lý nước thải và cấp nước sạch.
UBND tỉnh Yên Bái sẽ chịu trách nhiệm về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, và đảm bảo các thủ tục pháp lý liên quan đến việc triển khai dự án. Trong khi đó, Viglacera sẽ phải thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo sử dụng vốn chủ sở hữu và tuân thủ các yêu cầu về bảo lãnh ngân hàng để thực hiện dự án.
Khu công nghiệp Trấn Yên dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong các giai đoạn tiếp theo, tạo động lực phát triển kinh tế và thu hút đầu tư cho tỉnh Yên Bái. Hiện nay, tỉnh đã có 3 khu công nghiệp được đưa vào hệ thống khu công nghiệp quốc gia, bao gồm Khu công nghiệp Phía Nam, Minh Quân và Âu Lâu.
Huy Tùng (T/h)
Nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-ngay-2211-thanh-tra-toan-dien-du-an-san-golf-va-nghi-duong-o-bac-giang-720947.html