Là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty HUD, sân golf Tam Đảo ghi nhận doanh thu hơn trăm tỷ mỗi năm nhưng khoản lợi nhuận đem về chỉ ‘nhỏ giọt’.
Điều chỉnh quy hoạch dự án
Sân golf Tam Đảo trải dài 7200 yards, bao gồm 18 lỗ và 4 điểm phát bóng, nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ 65km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 45km về phía Tây Bắc, tọa lạc bên dãy núi Tam Đảo.
Ngày 16/20/2005, sân golf Tam Đảo khai trương và đưa vào khai thác kinh doanh 9 hố đầu tiên. Đến ngày 07/01/2007, 18 hố golf cùng tất cả dịch vụ của nhà Câu lạc bộ chính thức đi vào hoạt động.
Sân golf thuộc quần thể Tam Dao Golf & Resort, nằm trọn trong một thung lũng rộng khoảng 180 ha.
Sân golf Tam Đảo.
Ngày 5/12/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 2655 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch công trình xây dựng tỉ lệ 1/500 đối với dự án này.
Theo đó, căn cứ hồ sơ quy hoạch chi tiết khu sân Golf, biệt thự Tam Đảo (Tam Đảo Golf & Resort) được duyệt và theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp, 3 ô đất công cộng có thông số: Lô CC-1 có diện tích 4.973 m2, chiều cao 4,5 tầng, diện tích xây dựng 1.395 m2 và mật độ xây dựng khoảng 28,25%.
Lô CC-2 có diện tích 7.232,4m2, chiều cao 3 tầng, diện tích xây dựng 1.747 m2 và mật độ xây dựng khoảng 24,15%.
Lô CC-3 có diện tích 8.088 m2, chiều cao 5 tầng, diện tích xây dựng 2.410 m2 và mật độ xây dựng khoảng 29,8%, tại lô CC-3 này có bố trí khoảng 2.000m2 làm nhà trẻ.
Nội dung điều chỉnh quy hoạch cụ thể tại dự án Tam Đảo Golf & Resort.
Do hầu hết các ô đất biệt thự trong dự án, chủ yếu hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, có rất ít người ở lâu dài và không có nhu cầu sử dụng nhà trẻ nhưng lại thiếu các dịch vụ vui chơi, dịch vụ trải nghiệm thực tế cho trẻ và khách hàng.
Đồng thời chiều cao công trình tại lô CC-1, CC-2, CC-3 theo quy hoạch chi tiết được duyệt như trên chưa phù hợp với chiều cao các ô đất biệt thự lô B, C (trung bình 2,5 tầng).
Do đó, việc điều chỉnh cục bộ thông số giảm chiều cao công trình xuống còn 2 tầng, mật độ xây dựng xuống còn 20% của 03 ô đất công cộng CC-1, CC-2, CC-3 nhưng vẫn giữ nguyên diện tích lô đất đảm bảo quy mô diện tích tối thiểu của công trình dịch vụ công cộng cấp đơn vị ở quy định tại Quy chuẩn Việt Nam 01:2021/BXD.
Lợi nhuận nhỏ giọt
Chủ đầu tư của golf Tam Đảo là CTCP Đầu tư Tam Đảo. Công ty được thành lập ngày 09/06/2003, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cấp, có trụ sở chính tại thị trấn Hợp Châu, Huyện Tam Đảo, Tỉnh Vĩnh Phúc.
Với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh dịch vụ sân golf, kinh doanh các dịch vụ phục vụ sân golf như: dịch vụ câu lạc bộ hội viên; cửa hàng; sân tập golf và các dịch vụ phụ trợ khác.
Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lê Anh Tuấn và ông Đinh Nho Hưng. Chủ đầu tư của golf Tam Đảo là đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).
Tại báo cáo tài chính của HUD, kết thúc năm 2023, công ty này đang nắm giữ 55% vốn tại Đầu tư Tam Đảo .
Các đơn vị thành viên của HUD.
Theo website, HUD là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là đầu tư phát triển các khu đô thị mới và nhà ở, kinh doanh bất động sản, được thành lập từ năm 1989.
Về tình hình tài chính của CTCP Đầu tư Tam Đảo, theo báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của HUD, năm 2023, công ty này ghi nhận 151,4 tỷ đồng doanh thu và thu nhập khác, tăng 7% so với năm trước.
Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 21,56 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 17,22 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022. Công ty đã nộp 7,15 tỷ đồng lợi nhuận về công ty mẹ là HUD.
Trong số các công ty do HUD nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Đầu tư Tam Đảo là doanh nghiệp được đầu tư vốn nhiều thứ 4 sau CTCP phát triển nhà xã hội – HUD.VN (161,4 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và phát triển Bất động sản HUDLAND (102 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD4 (92,3 tỷ đồng).
Từ năm 2020, Đầu tư Tam Đảo đều đem về cho HUD một khoản lợi nhuận từ 5 đến 8 tỷ đồng. Duy chỉ có năm 2022 là không ghi nhận khoản lợi nhuận nộp về công ty mẹ.
Kết thúc năm 2023, tổng tài sản của Đầu tư Tam Đảo ghi nhận ở mức 243,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,7% so với mức 245,7 tỷ đồng năm trước.
Nợ phải trả của công ty là 84,8 tỷ đồng, mức này đã giảm 0,8% so với năm trước.
Khoản nợ phải trả trên đã giảm dần theo các năm, từ mức 104,3 tỷ đồng năm 2020 về còn 84,8 tỷ đồng năm 2023.
Từ năm 2020 đến 2023, doanh thu của Đầu tư Tam Đảo vẫn được duy trì đều đặn ở mức trên 100 tỷ đồng.
Lợi nhuận của công ty có phần trồi sụt hơn khi năm 2020, công ty ghi nhận khoản lãi ròng sau thuế 10,4 tỷ đồng nhưng sang đến 2021, khoản lợi nhuận lao dốc gần 9 lần xuống còn 1,16 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Thu Hương
Nguồn: https://nguoiduatin.vn/dieu-it-biet-ve-ong-chu-san-golf-tam-dao-204240728163558558.htm