Câu chuyện hai cầu Việt Nam đánh nhau đến đổ máu thêm một lần cho thấy giáo dục có vai trò rất quan trọng…
1. Cầu thủ Vũ Văn Sơn (CLB Trẻ TPHCM) nói rằng bản thân không sai khi đánh nhau với tiền đạo Nguyễn Xuân Nam. Văn Sơn lý giải tiền đạo Xuân Nam đã khiêu khích, lôi bố mẹ ra chửi và vung tay đấm trước nên anh đánh lại.
Trong khi đó, cựu tuyển thủ Nguyễn Xuân Nam nói anh là tiền đạo, Văn Sơn là hậu vệ. Do đó, chuyện khiêu khích, chửi nhau, lôi mẹ cha, họ hàng ra cũng không tránh được khi thi đấu. Xuân Nam nói đẩy vào ngực Văn Sơn thì anh bị đấm vào miệng và chưa kịp đánh trả do đối phương bỏ chạy.
Đánh nhau nhưng suy nghĩ không sai. Chửi nhau, lôi cha mẹ và họ hàng của đối thủ ra chửi với cách nghĩ không thể tránh được. Phải chăng Văn Sơn và Xuân Nam đang có những suy nghĩ theo cách thơ ngây đến lạ lùng?
Trong bóng đá, hai cầu thủ đánh nhau thì chắc chắn nhận án phạt nguội, còn tùy vào hành vi như thế nào thì án phạt có mức độ khác nhau. Chuyện chửi cha mẹ, khiêu kích nhau thì không thể suy nghĩ theo kiểu không tránh khỏi, đó là hành vi xúc phạm đối thủ.
Câu chuyện hai cầu Việt Nam đánh nhau đến đổ máu thêm một lần cho thấy giáo dục có vai trò rất quan trọng. Ảnh: PVF – CAND
2. Gần 20 năm trước, bóng đá Việt Nam từng có sự việc gây rúng động cho người hâm mộ, đó là chuyện một số cầu thủ U23 Việt Nam bán độ ở SEA Games năm 2005. Phạm Văn Quyến được rủ rê tham gia bán độ với 6 cầu thủ khác. Đó là một bài học đắt giá cho cầu thủ Việt Nam về chuyện tiêu cực làm hỏng cả sự nghiệp.
Phạm Văn Quyến là ngôi sao có nhiều khoản thu nhập cao. Anh rõ ràng không thiếu 20 triệu và số tiền này khá nhỏ so với thu nhập từ tiền lương, thưởng, quảng cáo… Vấn đề là cựu thần đồng xứ Nghệ tham gia theo suy nghĩ U23 Việt Nam thắng 1 bàn hay 2 bàn thì cũng giành chiến thắng, không ảnh hưởng đến chuyện đi tiếp.
Vụ việc này khiến cho sự nghiệp của Văn Quyến chỉ còn là “cái bóng” so với chính anh. Sai lầm thì phải trả giá đắt và hành vi của Văn Quyến thực sự khiến cho đông đảo người hâm mộ thất vọng. Một số ý kiến cảm thấy buồn khi Văn Quyến khiến sự nghiệp chìm trong bóng tối vì suy nghĩ nông cạn.
3. Hai câu chuyện kể trên có tính chất và mức độ nghiêm trọng hoàn toàn khác nhau. Nhưng điểm chung là từ suy nghĩ đến hành động của các cầu thủ đã phản ánh về sự thiếu nhận thức trước hành vi không đúng.
Bóng đá không chỉ đơn giản là một môn thể thao có tính giải trí và có được sự yêu mến rộng rãi. Bóng đá cần được làm nghiêm túc để hướng đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, các cầu thủ không chỉ đá bóng giỏi mà cần được giáo dục trong môi trường tử tế. Bởi họ là thần tượng của nhiều người thì cần làm tấm gương chuẩn mực trong cuộc sống. Bản thân cầu thủ, HLV muốn tiến xa nhất có thể thì việc nâng cao kiến thức càng quan trọng. Ví dụ cầu thủ muốn xuất ngoại thì cần ngoại ngữ, các kỹ năng tự lập và am hiểu sâu sắc về văn hóa nơi đất khách quê người.
Nhìn xa hơn, chuyện giáo dục cầu thủ là một phần quan trọng để phát triển bóng đá Việt Nam, giúp các cầu thủ có nhận thức đúng để tự bảo vệ chính họ trước sự cám dỗ lẫn hành vi sai trái. Và khi nói về vai trò của giáo dục thì không chỉ riêng bóng đá mà luôn có ý nghĩa lớn lao trong mọi lĩnh vực.
Văn Nhân
Nguồn: https://saostar.vn/sao-sport/dung-de-cau-thu-viet-nam-tra-gia-cho-su-tho-ngay-202411151024499959.html