Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 991/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Bảo Lâm
Cơ sở pháp lý quý giá và quan trọng
Theo ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trong nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cả nước đã được xây dựng tương đối toàn diện, đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở, từ thành thị tới nông thôn. Các thư viện, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, nhà thi đấu… được đầu tư xây dựng, sửa chữa ngày càng khang trang, hiện đại. Nhà nước, ngành văn hóa thể thao và du lịch ưu tiên dành ngân sách nhiều hơn để xây dựng hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch.
“Vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng khẳng định vị trí quan trọng đã và đang đồng hành với đời sống nhân dân trong hưởng thụ các giá trị văn hóa và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội” – ông Phạm S nói.
Du lịch cũng không ngừng đổi mới và hoàn thiện, hệ thống doanh nghiệp du lịch cũng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh; hệ thống điểm đến ngày càng mở rộng… đã tạo thành sức mạnh tổng lực. Bên cạnh đó, các quy hoạch phát triển du lịch, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật trên phạm vi cả nước đã tạo diện mạo mới cho đất nước và làm tiền đề cho du lịch Việt Nam phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 991/QĐ-TTg, ngày 16/9/2024; phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 509/QĐ-TTg, ngày 13/6/2024.
“Đây được xem là cơ sở pháp lý quý giá và quan trọng để Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Quyết định, văn bản chỉ đạo, xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn tạo hành lang pháp lý trong việc phát triển chuẩn hóa thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch cả về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động; đồng thời sử dụng, khai thác và phát huy công năng sử dụng; đảm bảo quản lý đúng hướng và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và du lịch chất lượng, hiệu quả” – ông Phạm S khẳng định.
Nhiều kết quả trong xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, phát triển du lịch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, mặc dù trong thời gian qua tỉnh Lâm Đồng chưa có nhiều thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn, hiện chỉ có Khu liên hợp Văn hóa – Thể thao tỉnh Lâm Đồng tại Phường 7, thành phố Đà Lạt (trong đó Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Lạt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư) và 02 Di tích quốc gia đặc biệt Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu khảo cổ Cát Tiên nằm trong Danh mục đầu tư thuộc mạng lưới quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Lâm Đồng đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhìn chung cơ bản được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao cho người dân, góp phần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh.
Số lượng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được đầu tư xây dựng đạt và vượt mục tiêu đề ra của địa phương (cấp tỉnh: 05 thiết chế văn hóa, thể thao trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cấp huyện: có 11/12 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, có 03 nhà thi đấu đa năng trên 1.000 chỗ ngồi; cấp xã, phường, thị trấn: Toàn tỉnh hiện có 137/142 thiết chế văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 93% với quỹ đất xây dựng trên 53.000m2; cấp thôn, tổ dân phố: có 1.211/1.376 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa – Khu thể thao đạt tỷ lệ 88,6%; gần 1.000 sân tập thể thao đơn giản, 12 thư viện huyện, 28 thư viện xã; trên 1.143 sân tập thể thao); cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực được quan tâm; kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có nhiều thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hàng năm, thông qua công tác tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế như Giải đua xe đạp địa hình quốc tế và giải Siêu Marathon quốc tế Lâm Đồng mở rộng; giải Đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương mở rộng (các chặng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng); các giải chạy bộ: Đà Lạt Music Run, Tà Năng Trail, Đà Lạt Ultra Trail… tỉnh đã thu hút hàng ngàn vận động viên trong và ngoài nước tham dự, qua đó góp phần tạo hiệu ứng tích cực, quảng bá văn hóa, du lịch Lâm Đồng đến với du khách trong nước và quốc tế.
Về du lịch, triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Nghị quyết số 18 – NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung mọi nguồn lực tập trung phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững gắn với định vị giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao.
Trên cơ sở sở xác định vai trò quan trọng của văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực, đa dạng hóa sản phẩm du lịch (trong đó có du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm) để thu hút khách và phát triển theo hướng bền vững.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành, du lịch Lâm Đồng liên tục được đánh giá cao tạo nhiều cuộc bầu chọn và đạt được nhiều giải thưởng quốc tế như: thành phố Đà Lạt đạt Giải thưởng thành phố thông minh năm 2021 tại lĩnh vực “Thành phố Du lịch thông minh” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức; năm 2023, thành phố Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) và trở thành thành phố âm nhạc đầu tiên của Việt Nam; tháng 8/2024, TripAdvisors công bố tour vượt thác (Canyoning Dalat) và tour tham quan 3 thác nước (Three waterfalls tour in Dalat) trong danh sách những Giải thưởng “Best of the Best của Travellers’ Choice 2024” – ở lĩnh vực các hoạt động du lịch thiên nhiên và ngoài trời (Best Nature & Outdoor)… Đây là những minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản trong phát triển du lịch, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản văn hóa tại Lâm Đồng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng và bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các cấp tuy đã được đầu tư, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí của các tầng lớp Nhân dân nói chung. Phát triển du lịch ở Lâm Đồng đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ các di sản và sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững.
7 giải pháp để triển khai hiệu quả 2 quy hoạch
Ông Phạm S cho biết, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian vừa qua đã xác định rõ chiến lược phát triển cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch này trong thời gian sắp tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất là chủ động bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành Trung ương để ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phân chia thực hiện quy hoạch thành các giai đoạn cụ thể, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và tiến độ thực hiện; đề ra các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả theo từng giai đoạn.
Thứ hai là thiết lập cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai quy hoạch.
Thứ ba, tiến hành rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cập nhật nội dung các quy hoạch, đề án, dự án liên quan đang thực hiện trên địa bàn đảm bảo tuân thủ các định hướng về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Thứ tư là căn cứ quy định của pháp luật, hướng dẫn các huyện, thành phố chủ động quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp để thu hút đầu tư các dự án du lịch, công trình thiết chế văn hóa, thể thao và quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch.
Thứ năm là bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để tổ chức triển khai các nội dung của Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thứ sáu là thiết lập hệ thống giám sát theo dõi tiến độ thực hiện quy hoạch, đánh giá định kỳ để kịp thời điều chỉnh; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch.
Thứ bảy là tiếp tục đầu tư các thiết văn hóa thể thao thuộc mạng lưới Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của quốc gia, cụ thể: Tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư bảo tồn phát huy giá trị 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và khu Khảo cổ Cát Tiên và tiếp tục đầu tư hoàn thiện Khu liên hợp văn hóa, thể thao tại Phường 7, TP. Đà Lạt. Trong đó: Đối với dự án Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Lạt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, hiện nay, đã được đầu tư xây dựng dự án Nhà Thi đấu đa năng 2000 chỗ ngồi, thời gian tới tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư các hạng mục công trình Thể dục thể thao trên phần diện tích còn lại đã được quy hoạch, để địa phương được phối hợp sử dụng, phát triển nâng cao thành tích thể thao thành tích cao của tỉnh nói riêng, cũng như đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng của tỉnh Lâm Đồng.
“Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng hy vọng việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở tham gia phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, cộng đồng và các doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế địa phương” – ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh./.
Bảo Trân
Nguồn: https://toquoc.vn/hai-quy-hoach-quoc-gia-ve-linh-vuc-van-hoa-the-thao-va-du-lich-la-co-so-phap-ly-quy-gia-va-quan-trong-20241106155214128.htm