Hành trình của Đại sứ Pháp: Từ cây thảo dược chân cầu Long Biên đến metro Hà Nội

    4
    0

    Một ngày tháng 12 tại Hà Nội, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cùng cộng sự có một hành trình thú vị tham quan các địa điểm gắn liền với lịch sử quan hệ và hợp tác thành công giữa Việt Nam và Pháp.
    Tại chân cầu Long Biên (phường Phúc Tân), nhiều người dân bất ngờ khi những vị khách quốc tế tới thăm khu vui chơi. Trước kia đây là một bãi rác, sau đó được cải tạo thành sân chơi công viên rừng. Dự án có sự tài trợ một phần từ quỹ phát triển văn hóa chung do Đại sứ quán Pháp và Đại sứ quán Đức lập nên.

    “Thật tuyệt vời khi ở chân cầu Long Biên lịch sử lại có những dự án phục vụ cộng đồng”, Đại sứ Olivier Brochet nói.

    Đại sứ Pháp cho hay ông mới biết đến khu vực này cách đây vài tuần, vị trí của khu vui chơi khá đặc biệt khi ở ngay dưới chân cầu, gần sông Hồng.

    Ông cảm nhận được người dân nơi đây rất thân thiện, mặc dù khác biệt về ngôn ngữ nhưng những thành viên trong Hội Phụ nữ phường Phúc Tân rất niềm nở giới thiệu về khu vui chơi, những loại cây, hoa xung quanh. Đại sứ đặc biệt ấn tượng với những cây thảo dược.

    Với khu vui chơi, Đại sứ cho rằng đây là gợi ý tốt để phía Pháp và TP Hà Nội hợp tác trong quy hoạch khu vực ven sông, bởi đây là lĩnh vực mà Pháp đã hợp tác nhiều với Việt Nam mà tiêu biểu là xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

    Nói về cây cầu lịch sử, Đại sứ Pháp bày tỏ đây là một biểu tượng của người dân Hà Nội, đồng thời cũng là biểu tượng kết nối Việt Nam và Pháp. Cây cầu này được xây dựng từ năm 1902, vào thời điểm đó là cây cầu dài thứ tư trên thế giới.

    “Mối quan hệ hai nước xung quanh cây cầu này vẫn tiếp tục. Phía Pháp đang tài trợ cho TP Hà Nội dự án nghiên cứu về phương án cải tạo cầu Long Biên.

    Chúng tôi hy vọng năm 2025 những kết quả cụ thể của nghiên cứu sẽ được công bố, trên cơ sở đó có giải pháp để bảo tồn, phát triển cây cầu trong thời gian lâu dài”, Đại sứ Olivier Brochet chia sẻ.

    Phụ nữ phường Phúc Tân giới thiệu các loại cây cho Đại sứ Pháp.

    Tiếp đó, Đại sứ Pháp đã đến thăm Đại học Dược Hà Nội – ngôi trường vẫn giữ nguyên nét kiến trúc Pháp cổ dù trải qua cả trăm năm tuổi.

    Trường Đại học Dược Hà Nội tiền thân là khoa Dược thuộc Trường Y Dược khoa Đông Dương. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là Bác sĩ Yersin – Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang.

    Pháp và Việt Nam hợp tác chặt chẽ trong bảo tồn, duy tu và phát huy giá trị các di sản, đặc biệt là di sản kiến trúc.

    Bà Đinh Thị Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã tiếp đón, giới thiệu với Đại sứ về phòng hội đồng, thư viện cũ, phòng học và cảnh quan trong trường.

    “Chỉ ít lâu sau khi sang Việt Nam nhận nhiệm vụ Đại sứ, tôi đã phát hiện ra ngôi trường với kiến trúc độc đáo này. Ngày chủ nhật, tôi đi qua thấy cổng mở nên đã vào trong, dù ngày nghỉ nhưng trong sân vẫn có nhiều sinh viên chơi thể thao. Công trình được bảo tồn rất tốt từ bàn ghế đến kiến trúc. Tôi thực sự xúc động”, Đại sứ nhấn mạnh.

    Kiến trúc Pháp cổ điển với màu vàng nhạt của tường, màu xanh lá của các ô cửa, kết hợp với những mái vòm cao vút tạo nên những nét chấm phá độc nhất chỉ có tại Đại học Dược Hà Nội.

    Lấy ví dụ về các tòa nhà, dinh thự Tổng thống ở Pháp thường mở cửa cho người dân tham quan, ông hy vọng những công trình như Đại học Dược Hà Nội sẽ được mở cửa để công chúng chiêm ngưỡng.

    Đại sứ cho biết hợp tác hai nước trong lĩnh vực y dược không ngừng phát triển. Từ những năm 1990 đến nay có khoảng 3.000 bác sĩ, dược sĩ của Việt Nam được đào tạo tại Pháp. Đến nay, hàng năm vẫn có hàng chục bác sĩ, dược sĩ của Việt Nam được cử sang Pháp theo các chương trình đào tạo.

    Hợp tác y dược là một trong những niềm tự hào của quan hệ hai nước. Đây là hợp tác hữu ích cả cho Pháp và Việt Nam, đặc biệt phục vụ cho lợi ích của người dân Việt Nam.

    Mỗi tòa nhà, góc nhỏ trong trường đều toát lên sự kỳ công trong việc tôn tạo, giữ gìn vẻ đẹp cổ kính nhưng không kém phần sang trọng.

    Thời gian tới, Pháp mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong giáo dục đào tạo và sẵn sàng đón nhận sinh viên Việt Nam đến học.

    “Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Pháp và chúng tôi mong muốn số lượng du học sinh Việt Nam sang Pháp ngày càng tăng, đóng góp cho hợp tác Pháp – Việt”, Đại sứ kỳ vọng.

    Điểm cuối trong hành trình tham quan, Đại sứ Olivier Brochet đã trải nghiệm đi tàu trên tuyến đường sắt trên cao Nhổn – ga Hà Nội.

    Ông đã tự mua vé tại quầy và dành nhiều thời gian để chiêm ngưỡng tác phẩm công cộng “Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc – Il est cinq heures, Hanoï s’éveille” đặt ngay trung tâm sảnh tại nhà ga S8 Cầu Giấy. Đây là tác phẩm do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) thông qua quỹ Métis trao tặng cho TP Hà Nội.

    Đại sứ Olivier Brochet mua vé tại ga Cầu Giấy.

    Đại sứ cho biết, cách đây vài tuần ông cũng đã dự lễ vận hành chính thức tại nhà ga này, đây là dự án hữu ích cho người dân Hà Nội vì đường sắt đô thị là một phần không thể thiếu của những TP tương lai. Đường sắt đô thị cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong mục tiêu phát triển bền vững.

    “Chúng tôi rất vui mừng vì thực hiện thành công dự án này, đây là một dự án biểu trưng cho quan hệ hợp tác Pháp và Việt Nam trong giai đoạn mới. Pháp đã cung cấp 500 triệu euro (13,6 nghìn tỷ đồng) để tài trợ cho tuyến đường sắt này, các doanh nghiệp của Pháp cũng tham gia vào dự án với những công nghệ tốt nhất.

    Với việc thực hiện thành công dự án, Hà Nội đã trở thành một trong những thủ đô trên thế giới có hệ thống đường sắt đô thị. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng”, Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh.

    Pháp mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong những dự án mới về đường sắt đô thị ở cả Hà Nội và TPHCM.

    Đoạn ngầm của tuyến đường sắt đô thị vẫn trong quá trình thi công, ông hy vọng dự án sẽ sớm hoàn thiện đầy đủ và đi vào hoạt động.

    Trong giao thông đường sắt, Pháp mong muốn được tham gia vào nhiều dự án của Việt Nam hơn nữa, đặc biệt hiện nay Việt Nam có kế hoạch phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

    Đại sứ Pháp trải nghiệm đi tàu điện trên cao.

    Trần Thường

    Phạm Hải

    Nguồn: https://vietnamnet.vn/hanh-trinh-cua-dai-su-phap-tu-cay-thao-duoc-chan-cau-long-bien-den-metro-ha-noi-2348652.html

    Bài trướcHệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước 2024: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế
    Bài tiếp theoTuyển Indonesia đón tin vui từ cầu thủ nhập tịch

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây