Trang chủ Tin tức Khai mạc Thế vận hội thể thao người khuyết tật tại Paris

Khai mạc Thế vận hội thể thao người khuyết tật tại Paris

4
0

Đúng 20 giờ tối 28-8 (tức là 1 giờ sáng 29-8 giờ Việt Nam) tại quảng trường Concorde ở thủ đô Paris, buổi lễ khai mạc Thế vận hội thể thao dành cho người khuyết tật (Paralympic Paris 2024) đã bắt đầu với sự hiện diện của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ban tổ chức Olympic và Paralympic Paris 2024, Tony Estanguet, Chủ tịch Ủy ban Thể thao người khuyết tật quốc tế (IPC) Andrew Parson, cùng nhiều nhà lãnh đạo, bộ trưởng thể thao các nước, quan chức chính phủ và đại diện các tổ chức quốc tế.
Màn chào đón của âm thanh và ánh sáng và vũ đạo do các nghệ sĩ khuyết tật trong trang phục nhiều màu sắc sống động, thể hiện cùng dàn vũ công vận đồ đen, trên nền sân khấu trắng, đã làm nổi bật chủ đề của sự kiện: Ngày hội hòa nhập của người khuyết tật và của những xúc cảm đan xen.

Paralympic Paris 2024, cũng là mùa Thế vận hội thể thao dành cho người khuyết tật lần thứ 17, đã chính thức khai mạc với màn diễu hành đầy sôi động của 168 đoàn vận động viên (VĐV) của các nước và vùng lãnh thổ, đi đầu là đoàn VĐV thể thao Afghanistan và kết thúc bằng lực lượng hùng hậu của nước chủ nhà Pháp.

Có tổng số hơn 4.400 VĐV tham dự Paralympic Paris 2024, trong đó có 1.983 VĐV nữ. Đây là những con số chưa bao giờ đạt được trong lịch sử 60 năm qua của Thế vận hội thể thao người khuyết tật. Trung Quốc luôn đứng đầu bảng xếp hạng huy chương tại mọi kỳ Paralympic kể từ Athens 2004 cũng là đoàn thể thao có đông VĐV nhất tại Thế vận hội năm nay, với 282 người. Nước chủ nhà Pháp với 239 VĐV, tuy chỉ đứng thứ ba sau Trung Quốc và Brazil, nhưng lại là quốc gia hàng đầu ở Liên minh châu Âu (EU) có số lượng VĐV tham dự đông đảo nhất trong mùa Thế vận hội năm nay.

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 với 14 thành viên, trong đó có 4 cán bộ đoàn, 3 huấn luyện viên và 7 VĐV sẽ thi đấu trong các môn cử tạ, bơi và điền kinh.

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự lễ khai mạc. Ảnh: TTXVN

Sau những màn vũ đạo mềm mại, độc đáo không kém phần sôi động do các nghệ sĩ khuyết tật thể hiện cùng các vũ công theo ý tưởng của biên đạo múa người Thụy Điển Alexander Ekman, lễ hội trở nên trầm lắng hơn với video chia sẻ tâm sự của những người khuyết tật về trải nghiệm, trăn trở, cũng như ước vọng hòa nhập của họ.

Phát biểu trong đêm khai mạc, ông Tony Estanguet, Chủ tịch Ban tổ chức Olympic và Paralympic Paris 2024, đã động viên các VĐV và nhấn mạnh: “Cũng như các vận động viên Olympic, với mỗi chiến thắng của các bạn, cả một đất nước sẽ cùng nhau tự hào. Nhưng các bạn mạnh mẽ hơn ở chỗ là với mỗi chiến thắng của bạn, cả một đất nước sẽ thay đổi. Với mỗi chiến thắng của bạn, thế giới sẽ tiến bộ. Bởi vì mỗi cảm xúc mà bạn khiến chúng tôi trải qua sẽ mang một thông điệp không bao giờ phai nhạt: Sức mạnh của bạn là vô hạn, vì vậy hãy ngừng áp đặt đối với các bạn. Đây là cuộc cách mạng của Paralympic”.

Còn ông Andrew Parson, Chủ tịch Ủy ban Thể thao người khuyết tật quốc tế (IPC), lại cho rằng: “Các VĐV đến đây không phải để tham gia mà để thi đấu và phá kỷ lục thế giới. Họ cũng đến đây để vượt lên chính vinh quang của mình. Họ ở đó để thách thức sự kỳ thị, thay đổi hành vi và xác định lại ranh giới của những gì mọi người nghĩ là có thể”.

Khi âm hưởng của bản hòa tấu Quốc ca Pháp và bài hát chính thức của Thế vận hội thể thao người khuyết tật lần thứ 17 chấm dứt, cũng là lúc lá cờ Pháp và cờ Paralympic được kéo lên. Hai vận động viên Paralympic, Sandrine Martinet và Arnaud Assoumani, cùng giám khảo và huấn luyện viên Franck Bornerand, thay mặt các đồng nghiệp của mình tuyên thệ và cam kết tôn trọng và phát huy các giá trị Paralympic: quyết tâm bình đẳng, truyền cảm hứng và lòng dũng cảm.

Cuối cùng là màn rước đuốc Paralympic đầy cảm động. Ngọn lửa Paralympic sau hành trình đến nhiều tỉnh thành của Pháp đã được lần lượt truyền qua tay nhiều VĐV khuyết tật để đến với chiếc vạc lửa, được đặt ở vườn hoa Tuleries. Chiếc vạc lửa này đã tắt kể từ khi Thế vận hội Olympic kết thúc và giờ đây nó lại được tỏa sáng trên bầu trời Paris, mỗi đêm, đến khi kết thúc Paralympic, ngày 9-9. Biểu tượng Agitos (trong tiếng Latinh có nghĩa là “Tôi vận động”), bao gồm ba dấu phẩy của Paralympic Paris 2024 cũng tiếp tục tỏa sáng trên mái vòm của Khải Hoàn Môn, và biểu tượng 5 vòng tròn Olympic vẫn lấp lánh trên tầng 2 của tháp Eiffel.

Trong 3 giờ đồng hồ, trung tâm của Kinh đô Ánh sáng biến thành một sân khấu hoành tráng và sự kiện được truyền hình trực tiếp trên kênh France 2 giúp cho 300 triệu khán giả trên thế giới có thể trực tiếp theo dõi lễ khai mạc. Đó là chưa kể, hơn 50.000 khán giả trên các khán đài ở quảng trường Concorde, cùng 15.000 công chúng đứng dọc đại lộ Elyseé được trực tiếp đắm mình trong không khí của ngày hội, được ngắm nhìn tận mắt những tinh hoa của nền thể thao khuyết tật thế giới.

Bắt đầu từ hôm nay, 29-8, các vận động viên chính thức bước vào các trận đấu đến hết ngày 8-9. Họ sẽ tranh tài ở 549 trận đấu của 22 môn thể thao tại 18 địa điểm. Các địa điểm thi đấu vẫn ở những nơi đẹp nhất Paris giống như Thế vận hội Olympic.

TTXVN

Nguồn: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/khai-mac-the-van-hoi-the-thao-nguoi-khuyet-tat-tai-paris-791508

Bài trướcBắc Kạn có 02 tác phẩm đoạt Giải Báo chí toàn quốc ‘Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch’
Bài tiếp theoĐịa ốc 24H: Sân golf 5 sao ‘chết yểu’ thành nơi chăn dê; lệnh xử lý hành vi ‘thổi giá’ bất động sản

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây