Việc Công Phượng về nước chơi bóng đánh dấu một cột mốc buồn cho bóng đá Việt Nam khi không còn cầu thủ nào được đào tạo trong nước đang thi đấu tại nước ngoài. Đâu là nguyên nhân?
Trông người lại ngẫm đến ta
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng mới đây đã rời CLB Yokohama (Nhật Bản) để về nước khoác áo CLB Bình Phước tại Giải hạng Nhất. Đây có thể coi là bước lùi của chân sút quê Nghệ An, đồng thời cũng khiến bóng đá Việt Nam sạch bóng cầu thủ thi đấu ở nước ngoài (gồm cả cầu thủ trưởng thành trong nước và cầu thủ nhập tịch). Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, thực trạng trên càng đáng lo ngại.
Công Phượng gần như chỉ tập chay ở CLB Yokohama trước khi về nước khoác áo CLB Bình Phước.
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã và đang sở hữu một loạt cầu thủ chơi bóng tại châu Âu hoặc một số nền bóng đá mạnh của châu Á. Ngoài hai nội binh xuất ngoại là Marselino Ferdinan đang chơi cho Oxford United của Giải hạng Nhất Anh và Pramata Arhan đầu quân cho Suwon ở giải VĐQG Hàn Quốc, đội tuyển Indonesia còn nắm trong tay hàng loạt ngôi sao gốc Indonesia đang thi đấu tại Hà Lan, Italy, Bỉ…
Sau trường hợp trường hợp Chanathip Songkrasin hay Theerathon Bunmathan, những cầu thủ thế hệ mới của bóng đá Thái Lan cũng đã chứng minh được khả năng.
Suphanat Mueanta đang chơi cho Oh Leuven của VĐQG Bỉ. Ekanit Panya khoác áo Urawa Reds, Supachok Sarachat đang chơi cho Consadole Sapporo (VĐQG Nhật).
Philippines thậm chí có tới 22 cầu thủ thuộc diện con lai đang thi đấu ở châu Âu, châu Úc. Ngay cả Malaysia, Lào, Singapore, Myanmar, Timor Leste đều có hai cầu thủ con lai hoặc nội binh chơi ở các hạng thấp tại Nhật Bản, Đức hay Bồ Đào Nha, Đan Mạch.
Chưa đủ thực lực
Trao đổi với Báo Giao thông, HLV Triệu Quang Hà cho rằng, việc bóng đá Việt Nam vắng bóng cầu thủ ở nước ngoài chủ yếu là do thiếu định hướng: “Nhiều quốc gia trong khu vực đang chuyển hướng tìm nguồn lực cầu thủ mang hai dòng máu và họ làm rất quyết liệt. Trong khi đó, cầu thủ trong nước họ cũng có chiến lược cụ thể để xuất khẩu. Họ chọn môi trường phù hợp hoặc những nơi mà cầu thủ có thể rèn luyện phát triển.
Như Thái Lan, họ có hẳn CLB Leicester ở Ngoại hạng Anh để gửi cầu thủ sang đào tạo. Họ cũng hướng tới giải VĐQG Nhật Bản và cầu thủ xứ chùa vàng sang đây đa phần chơi tốt. Còn Việt Nam thì thả nổi cho các CLB, các CLB lại thả nổi cho HLV trẻ, đào tạo thì theo kiểu bản năng, kinh nghiệm chứ không theo chuẩn nhất định. Thế nên rất khó để có những sản phẩm chất lượng cao, đủ sức thi đấu ở nước ngoài”.
Cũng theo ông Hà, tại Việt Nam, những trung tâm đào tạo trẻ bài bản chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa phần chưa chú trọng tới những yếu tố phụ trợ như dinh dưỡng, thể lực hay kỹ năng mềm.
Trong khi đó, bình luận viên Ngô Quang Tùng lại cho rằng, thực tế cầu thủ Việt Nam xuất ngoại chưa ai thành công nên đây cũng không thể coi là bước lùi: “Cầu thủ chúng ta ra nước ngoài đa phần chỉ dự bị, rất ít được ra sân. Phần vì thực lực chưa đủ, phần khác vì chuẩn bị con đường chưa đúng đắn.
Nếu Quang Hải, Văn Hậu không sang châu Âu mà sang Nhật Bản trong lần đầu xuất ngoại có thể mọi thứ sẽ khác. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thì lại quá vội vàng, khi chơi bóng trong nước còn chưa ổn thì làm sao thi đấu ở nơi có trình độ cao hơn?”.
Làm gì để cho quả ngọt?
Theo HLV Triệu Quang Hà, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải làm đào tạo trẻ một cách bài bản: “Chúng ta cần những chuyên gia có tầm để vạch ra định hướng đào tạo trẻ. Định hướng này phải đảm bảo các yêu cầu của bóng đá hiện đại và cần sự thống nhất của cả nền bóng đá”.
Đồng quan điểm, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận định, cần phải thiết lập một phong cách, gu chơi bóng cho cầu thủ Việt Nam. “Thái Lan họ chú trọng vào kỹ thuật cá nhân, Indonesia thiên về tốc độ và kỹ thuật. Việc tạo ra các thế hệ cầu thủ có chung phong cách chơi cần phải làm sớm mới cho quả ngọt”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam lâu nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một vài lứa cầu thủ tốt đơn giản chỉ là trường hợp cá biệt, giống như như người đi câu, khiến chúng ta lầm tưởng. Nhưng ngay cả những cầu thủ được cho là tài năng đó nếu chơi trong tập thể quen thuộc thì ổn, còn khi tách ra thì liền bộc lộ điểm yếu.
“Về cơ bản, bóng đá Việt Nam chưa tạo được những cầu thủ lớp lang, lớp này kế tiếp lớp kia. Trong cùng thế hệ cũng phải có chiều sâu chứ không thể trông chờ chỉ một nhóm cầu thủ. Ngay việc tạo nguồn cầu thủ cho các đội tuyển còn khó khăn chứ chưa nói tới việc xuất ngoại chơi bóng”, ông Tùng đánh giá.
An Khuê
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khi-cau-thu-viet-sach-bong-o-nuoc-ngoai-192240924152925755.htm