Phác họa chân dung ‘nhân chứng lịch sử’ cầu Long Biên bằng sách ảnh và hội họa

    4
    0

    Cuốn sách ‘Cầu Long Biên – Cây cầu huyền thoại’ ra mắt nhằm phác họa ‘nhân chứng lịch sử’ dưới các góc nhìn khác nhau, góp phần vào kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của cầu Long Biên.

    Khách tham quan thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật về cầu Long Biên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

    Chiều 4/10, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, cuốn sách “Cầu Long Biên – Cây cầu huyền thoại” do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành đã ra mắt độc giả tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.

    Cuốn sách là tuyển tập các bài viết và các sáng tác thơ ca của nhiều tác giả do kiến trúc sư Nguyễn Nga, người đã dành nhiều tâm huyết cho cây cầu, làm chủ biên.

    Theo bà Nguyễn Nga, cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử của “một thời đạn bom, một thời hòa bình,” đã tạo nên dấu ấn và tình yêu Việt Nam trong tim các dân tộc thế giới, tạo nên lòng tự hào dân tộc cho con dân nước Việt.

    Cuốn sách chứa đựng nhiều hình ảnh, tư liệu về cầu Long Biên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

    “Là gạch nối quá khứ, hiện tại và tương lai, nối các thế hệ, nối các dòng nghệ thuật, nối Việt Nam với thế giới, cầu Long Biên sẽ là cây cầu của lịch sử, hòa bình, nghệ thuật và tình yêu,” bà Nguyễn Nga chia sẻ.

    Bà Nguyễn Nga là Việt kiều Pháp. Sau 35 năm xa quê, bà trở về Hà Nội năm 1989. Bà đạp xe lên cầu Long Biên thì bắt gặp một khoảng không gian mênh mông lộng gió.

    Kiến trúc sư Nguyễn Nga là người dành nhiều tâm huyết với cầu Long Biên. (Ảnh: NVCC)

    “Cầu Long Biên hiện hình đẹp, hoành tráng và thanh tao, được ví như một ‘khuông nhạc vắt ngang sông Hồng’ hay một ‘Tháp Eiffel nằm nghiêng’. Với tôi thì cây cầu là một con Rồng uốn lượn trên thành phố Thăng Long. Cầu đã quá già nua, mang đầy thương tích của những trận bom càn quét. Một đoàn tàu hỏa xình xịch đi tới. Cả cây cầu bỗng rung lên. Tôi có cảm tưởng như đang đứng trên lưng một con Rồng đang thức dậy. Bao cảm xúc trào dâng, tôi đã tự hứa sẽ phải làm gì đó cho cây cầu huyền thoại này,” bà Nga tâm sự.

    Vậy là kiến trúc sư Nguyễn Nga đã đã đứng lên kêu gọi cộng đồng làm nghệ thuật trong nước và quốc tế cùng các Đại sứ quán trên địa bàn Hà Nội và giới truyền thông quốc tế và Việt Nam cùng tổ chức hai kỳ festival “Ký ức cầu Long Biên” năm 2009 và “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm” năm 2010” tạo được tiếng vang lớn.

    Bà Nga cho biết cuốn sách ra mắt nhằm phác họa “nhân chứng lịch sử” dưới các góc nhìn khác nhau, góp phần vào kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của cầu Long Biên, để di sản này mãi trường tồn.

    Tác phẩm “Cầu trăng” của họa sỹ Đặng Đức Thành.

    Đặc biệt, chương trình bán đấu giá online 20 tác phẩm về cầu Long Biên cũng sẽ được tổ chức để gây quỹ xây dựng cầu và ủng hộ đồng bào vùng lũ.

    Triển lãm các bức tranh sẽ kéo dài đến ngày 6/10 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I./.

    (Vietnam+)

    Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phac-hoa-chan-dung-nhan-chung-lich-su-cau-long-bien-bang-sach-anh-va-hoi-hoa-post981247.vnp

    Bài trướcĐội tuyển Việt Nam chốt lịch thi đấu giao hữu với Ấn Độ
    Bài tiếp theoĐội tuyển Việt Nam lỡ hẹn thi đấu cùng Lebanon

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây