Các đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế của Bộ Tài chính đã bám sát các yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo công bằng và đồng bộ với pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Hoạt động tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát
Luật Quản lý thuế đã tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế nhằm cải cách hành chính; trong đó có cải cách tài chính công, cải cách thủ tục quản lý thuế. Qua đó, hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế… Tuy nhiên theo các chuyên gia, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cũng như quá trình hội nhập, đặc biệt là sự xuất hiện của các dạng thức kinh doanh mới… quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc.
TS. Nguyễn Văn Hiến, chuyên gia kinh tế đánh giá: Việc sửa đổi Luật Quản lý thuế để hoàn thiện quy định tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế; tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế, đặc biệt là tại Khoản 1 Điều 11, nhằm tăng cường hiện đại hóa quản lý thuế, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và triển khai hóa đơn điện tử.
Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, Khoản 1 Điều 11, Luật Quản lý thuế đã quy định “Nhà nước đảm bảo các nguồn lực tài chính để thực hiện các nội dung hiện đại hóa quản lý thuế”. Tuy nhiên, việc này chưa quy định cụ thể về nguồn lực từ ngân sách nhà nước dành cho việc hiện đại hóa cũng như hướng dẫn cụ thể từ các cấp có thẩm quyền.
Giai đoạn trước năm 2024, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cơ chế tài chính cho cơ quan quản lý thuế để thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế. Mặc dù cơ chế này đã giúp ngành thuế và hải quan hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ được giao, nhưng việc thiếu nguồn tài chính cụ thể cho hiện đại hóa đang đặt ra nhiều khó khăn cho ngành thuế và hải quan trong việc duy trì, nâng cấp các hệ thống quản lý hiện đại.
Theo đánh giá, nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho hiện đại hóa đã giúp ngành thuế và hải quan đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, trong ngành thuế, nguồn lực này đã thúc đẩy triển khai điện tử hóa và số hóa quản lý thuế, đồng thời mở rộng cơ sở thu. Ngành hải quan cũng ghi nhận việc hiện đại hóa góp phần mạnh mẽ trong chống gian lận thương mại, kiểm soát hàng hóa và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm.
Nhưng hiện tại, sự thiếu hụt quy định về nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho việc hiện đại hóa khiến ngành thuế và hải quan phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là không có đủ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất như hệ thống thông quan điện tử hay máy móc kiểm tra có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý thuế.
Để giải quyết những khó khăn này, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung quy định về nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho hiện đại hóa quản lý thuế. Theo đó, nguồn lực này sẽ được tính trên cơ sở một tỷ lệ phần trăm từ dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội giao. Điều này nhằm bảo đảm nguồn tài chính cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ được giao; trong đó có chuyển đổi số và triển khai hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, thể chế quản lý thuế còn một số nội dung chưa bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn và thiếu đồng bộ như pháp luật về quản lý thuế chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế trong lĩnh vực hoàn thuế.
Người nộp thuế tìm hiểu thông tin lĩnh vực thuế qua website của Cục Thuế Hà Nội tại địa chỉ http://hanoi.gdt.gov.vn. Ảnh: TTXVN
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn là vấn đề nóng, mặc dù cơ quan thuế đã cố gắng triển khai cơ chế khai, nộp thuế điện tử. Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần phải xác định rõ trách nhiệm của từng khâu trong quy trình hoàn thuế. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ thuế trong trường hợp kiểm tra phát hiện các sai sót không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kê khai, hoặc của cán bộ thuế
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cũng cho rằng nên sửa Luật Quản lý thuế để vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải có cơ chế bảo vệ cán bộ thuế, kiến tạo doanh nghiệp phát triển.
Do đó, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh đề xuất cần quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Theo đó, công chức thuế chỉ thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ phù hợp với điều khoản được quy định trong pháp luật thuế. Ngoài ra, luật cũng cần phải có quy định làm rõ trách nhiệm, tính trung thực, độ chính xác thông tin trong hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế. Chỉ khi quy định rõ như vậy thì những điểm nghẽn trong vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng hiện nay mới được giải quyết dứt điểm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cũng từng cho biết: Để thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp thì cơ quan thuế phải kiểm tra, nhưng luật lại không có quy định mức độ kiểm tra đến đâu. Vì vậy, trong quá trình kiểm tra, xác minh hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế phải xác định các doanh nghiệp có hoạt động mua – bán, kinh doanh có hồ sơ hoàn thuế. Từ đó, tránh thất thoát ngân sách nhà nước do hoàn thuế sai, khiến mất rất nhiều thời gian và tốn kém nguồn lực. Cá biệt, có những trường hợp dù cơ quan thuế đã phải phối hợp với khá nhiều cơ quan hữu quan cả trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa thể xác minh được tính hợp pháp của hồ sơ hoàn thuế.
Theo lãnh đạo ngành thuế, cơ quan thuế đã và đang đưa ra nhiều giải pháp cũng như kiến nghị với các cơ quan ban hành pháp luật sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách đảm bảo vừa bảo vệ được nguồn thu của ngân sách nhà nước, vừa tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và hoàn thuế.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế của Bộ Tài chính đã bám sát các yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo công bằng và đồng bộ với pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết: Các đề xuất sửa đổi này không chỉ mang lại lợi ích cho cơ quan nhà nước mà còn tạo động lực tăng trưởng cho toàn bộ nền kinh tế. Việc giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội, đồng hành cùng doanh nghiệp và người nộp thuế sẽ giúp tăng cường niềm tin vào hệ thống thuế và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Nguồn: https://bnews.vn/quan-ly-thue-bat-kip-yeu-cau-thuc-tien/352636.html