Với mục tiêu tạo ra dòng sản phẩm phân dê đã được xử lý chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bổ sung vi sinh vật góp phần cải tạo đất, nâng cao giá trị các phụ phẩm nông nghiệp, hướng đến bảo vệ môi trường, nhóm học sinh Trường THCS&THPT Tân Tiến, huyện Bù Đốp đã tạo ra sản phẩm ‘Phân dê lên men tự nhiên’. Sản phẩm được nghiên cứu và thử nghiệm thành công trên một số loại cây trồng tại địa phương.
Từ lý thuyết đến thực hành
Sản phẩm “Phân dê lên men tự nhiên” là dự án do các em Mai Thị Thanh Thảo, Huỳnh Công Đức, học sinh lớp 12A1 và Nguyễn Minh Hào, học sinh lớp 12A2, Trần Minh Khuê, lớp 11A3, Trường THCS&THPT Tân Tiến nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của cô Bùi Thị Luyến, giáo viên môn Sinh học và Công nghệ. Trong thời gian 3 tháng nghiên cứu và hoàn thiện, nhóm tác giả đã đưa ra dòng sản phẩm phân dê lên men tự nhiên cho một số hộ dân tại địa phương bón thử nghiệm trên các loại cây trồng.
Nguyên liệu được nhóm thu gom từ các hộ dân nuôi dê số lượng lớn trong vùng. Phân dê nguyên liệu sau khi loại bỏ tạp chất được trộn chung với chế phẩm IMO, trichoderma… để ủ hoai mục. Trong thời gian ủ, đảo trộn từ 7-10 ngày và thường xuyên kiểm tra độ pH, nhiệt độ, độ ẩm để đảm bảo sự phát triển của các vi sinh vật có lợi. Sau khoảng 45 ngày sẽ tạo thành sản phẩm phân vi sinh hữu cơ. Phân này sẽ được tạo thành dạng bột và dạng nén để bón cho các loại cây trồng phù hợp.
Chia sẻ về dự án, em Trần Minh Khuê cho biết: Ở khu vực ủ phân thiết kế 2 tầng bằng ống phi 49, mỗi tầng cách nhau 30cm và thông với nhau bằng ống phi 27. Sau khi trộn phân với chế phẩm IMO thì đưa vào khu vực ủ để phủ bạt, giữ nhiệt độ dao động từ 38-45 độ, độ ẩm từ 50-60 độ phù hợp với môi trường sống và phát triển của các vi sinh vật có lợi. 3 ngày đầu sẽ đóng nắp liên tục, sau đó mở nắp các ống phi vào buổi sáng và đóng nắp vào buổi chiều tối, tùy nhiệt độ môi trường bên ngoài có thể tưới phun sương vào buổi sáng. Quy trình nhằm rút ngắn thời gian và giảm thất thoát chất dinh dưỡng trong phân dê. Quá trình ủ phân dê thay vì phải thường xuyên thực hiện đảo trộn thì nhóm đã nghiên cứu lắp đặt các ống phi có nắp đậy để bảo đảm nhiệt độ trong quá trình ủ, giúp phân dê thoát khí dễ. Chỉ cần tháo, đậy các nắp phi sẽ giảm bớt công đoạn đảo trộn.
Phân dê nguyên liệu sau khi loại bỏ tạp chất, sấy khô tự nhiên để loại bỏ mầm bệnh, vi khuẩn có hại sẽ được trộn chung với chế phẩm IMO để ủ hoai mục
Ứng dụng công nghệ IMO
Nói về ứng dụng công nghệ IMO để làm sản phẩm phân dê lên men tự nhiên, em Mai Thị Thanh Thảo chia sẻ: Quy trình tạo IMO từ các nguyên liệu mật mía, men tiêu hóa, sữa chua, lợi khuẩn, trái cây hư, cám gạo, muối… Sau 3 ngày có thể tạo thành IMO để trộn chung với phân dê đã được loại bỏ tạp chất để ủ hoai mục. IMO bản chất là vi sinh vật bản địa nên khi kết hợp với phân dê lên men giúp phân dê có khả năng phân giải các chất đạm, lân hiệu quả hơn gấp 3 lần so với cách ủ truyền thống.
Cô Luyến cho biết: Nhóm tác giả đã ứng dụng kiến thức của cả bộ môn Sinh học và Công nghệ vào nghiên cứu, tạo ra sản phẩm. Trên lớp, các em được học về vi khuẩn, cách thực hiện chế phẩm IMO, ứng dụng vi sinh vật vào sản xuất; quy trình tạo phân bón vi sinh… Nhà trường, giáo viên luôn khuyến khích học sinh ứng dụng kiến thức vào thực tế để nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm hữu ích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Trong quá trình hướng dẫn nhóm, giáo viên hướng dẫn các em nơi kiểm nghiệm thành phần dinh dưỡng hợp lý, thử nghiệm trên các vườn cây. Đối với vườn rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, khi sử dụng phân bón, rau vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, chứng tỏ phân bón chất lượng.
Hiệu quả trên các loại cây trồng
Sử dụng sản phẩm phân dê lên men tự nhiên của nhóm học sinh Trường THCS&THPT Tân Tiến vào chăm sóc vườn cây, bà Bùi Thị Thái ở ấp Tân Nhân, xã Tân Tiến cho biết: Hơn 1 năm sử dụng sản phẩm này, các vườn cây cao su, bắp và hồ tiêu của gia đình phát triển xanh tốt. Đặc biệt, vườn cao su non phát triển nhanh hơn so với các vườn trồng cùng thời điểm không sử dụng phân bón vi sinh. Bón phân dê lên men, cây trồng phát triển đồng đều, lá xanh mướt, đồng thời giúp đất tơi xốp, tái tạo bộ rễ.
Hơn 1 năm sử dụngsản phẩm phân dê lên men tự nhiên, các vườn cây của gia đình bà Bùi Thị Thái phát triển xanh tốt, đặc biệt vườn cao su non phát triển đồng đều
Cũng sử dụng phân dê lên men tự nhiên, ông Vũ Bá Uẩn ở cùng ấp Tân Nhân đánh giá cao hàm lượng dinh dưỡng sản phẩm đối với vườn rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình. Chia sẻ kinh nghiệm trồng rau VietGAP, ông Uẩn cho biết, khâu làm đất rất quan trọng, làm giàu dinh dưỡng cho đất từ các loại phân bón lên men, phân ủ hoai mục… giúp rút ngắn thời gian chăm sóc và năng suất cao hơn từ 15-20%.
Anh Đặng Văn Trạng ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến cũng đang sử dụng phân dê lên men bón cho 500 trụ tiêu của gia đình. Anh Trạng cho rằng: Vườn tiêu được bón phân dê lên men tự nhiên thì cây khỏe và bền hơn, bệnh hại giảm, đặc biệt năng suất, sản lượng vượt trội. Bón phân vào đầu mùa mưa, cây phục hồi nhanh, lá xanh bền, giữ nước trong đất lâu, độ tơi xốp cao so với sử dụng phân hóa học. Theo tôi, sản phẩm phân dê lên men tự nhiên nên được nghiên cứu phát triển rộng để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương và các vùng lân cận.
Nhóm học sinh tham quan vườn tiêu bón phân dê lên men của gia đình anh Đặng Văn Trạng
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng là sân chơi bổ ích để học sinh phát huy tư duy, khả năng sáng tạo. Năm học 2023-2024, trường có 4 mô hình, sản phẩm tham gia cấp huyện, trong đó 2 sản phẩm đoạt giải nhì và ba lọt vào vòng chung khảo cấp tỉnh. Và sản phẩm “Phân dê lên men tự nhiên” được chọn dự thi cấp toàn quốc. Sản phẩm phân dê lên men tự nhiên đã được kiểm nghiệm chất lượng, thành phần dinh dưỡng và thử nghiệm trên các vườn cây đạt hiệu quả cao. Ðây là một trong những dự án nhằm góp phần giải quyết phụ phẩm trong nông nghiệp và giảm gánh nặng về khí thải, chất thải, giúp bảo vệ môi trường.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Tân Tiến DƯƠNG THANH VIẾT
Ngọc Quế
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/163248/sang-tao-tu-nhu-cau-thuc-tien